Toàn cảnh đòn thuế quan mới nhất của ông Trump
Hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 10-25% khi nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 4/2, song người tiêu dùng Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao.
Hôm 1/2, Tổng thống Donald Trump thực hiện lời cam kết áp thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc nhằm “trả đũa” cho dòng người nhập cư và ma túy bất hợp pháp chảy vào nước Mỹ.
Ông Trump đã ký 3 sắc lệnh hành pháp từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, áp dụng mức thuế 25% với tất cả hàng hóa từ Canada và Mexico, cùng mức thuế 10% với sản phẩm năng lượng từ Canada và mọi hàng hóa Trung Quốc. Tất cả mức thuế dựa theo thẩm quyền của Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế.
Theo lệnh hành pháp Imposing Duties to Address the Flow of Illicit Drugs Across Our Northern Border (tạm dịch: Áp dụng thuế để giải quyết dòng chảy ma túy bất hợp pháp qua biên giới phía bắc), quy định mới sẽ có hiệu lực “vào hoặc sau 12h01 ngày 4/2 theo giờ miền Đông”.
Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh nếu các quốc gia trên trả đũa, mức thuế này sẽ tiếp tục tăng, Guardian đưa tin.
Quy định mới ban hành có gì?
Nhà Trắng cho biết sẽ áp dụng mức thuế 25% với Canada và Mexico, trong khi con số với Trung Quốc là 10%. Hiện chưa rõ phạm vi của quy định mới, khi ông Trump có thể miễn trừ cho một số lĩnh vực nhất định như dầu khí, hoặc giới hạn thuế quan với một số nhóm.
Trong tuần qua, một số cố vấn của ông Trump tỏ ra không chắc chắn về việc liệu tổng thống có áp thuế không, và khi nào sẽ có hiệu lực. “Tôi không thể nói là khi nào”, Peter Navarro - cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của tổng thống Mỹ - chia sẻ.
Theo Guardian, điều này cho thấy ngay cả các cố vấn của ông Trump cũng phải vật lộn để theo kịp các động thái tiếp theo của ông chủ Nhà Trắng, khi mọi chuyện đều có thể xảy ra trước khi mức thuế mới có hiệu lực.
Luật liên bang trao cho tổng thống Mỹ quyền hành rộng rãi để ban hành thuế quan mà không cần Quốc hội chấp thuận. Do đó, ông Trump có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế quốc gia để áp đặt thuế quan, viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) trao cho tổng thống quyền quản lý hàng nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp quốc gia.
Ông Trump cũng có thể dẫn mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, trao cho tổng thống quyền áp đặt thuế quan với một số ngành công nghiệp nhất định. Ông Trump từng làm như vậy hồi năm 2018, khi áp thuế với nhôm và thép đối với Canada, Mexico và Liên minh châu Âu.
Thuế quan là gì và tại sao ông Trump áp dụng cho một số quốc gia cụ thể?
Thuế quan là loại thuế đánh vào hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào một quốc gia. Mỹ hiện là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Vào năm 2022, giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đạt 3.200 tỷ USD.
Trước khi nhậm chức, ông Trump đã đe dọa áp thuế với 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ: Trung Quốc, Mexico và Canada. Mexico và Canada sẽ chịu mức thuế 25%, còn Trung Quốc là 10% cho đến khi các quốc gia này giải quyết được vấn đề người nhập cư và ma túy bất hợp pháp chảy vào Mỹ.
Theo Guardian, ông Trump vốn coi thuế quan là một con bài mặc cả quyền lực, và chính sách thuế quan có thể gây áp lực lên các nhà sản xuất và nhập khẩu Mỹ nhằm tăng cường sản xuất trong nước.
“Quý vị chỉ cần xây dựng nhà máy tại Mỹ và không phải chịu mức thuế nào cả”, ông Trump từng nói. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu có mối quan hệ chặt chẽ suốt nhiều thập niên, ví dụ nông dân Mỹ sẽ không thể sản xuất được số lượng bơ ngang bằng với Mexico.
Do đó, mức thuế cao đồng nghĩa các doanh nghiệp có thể đẩy chi phí mới lên người tiêu dùng, khiến giá cả tăng cao.
Người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Năm 2023, Mỹ nhập khẩu tổng 1.200 tỷ hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Thuế quan 25% với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sẽ khiến giá tiêu dùng tăng lên. Canada là nước xuất khẩu dầu thô lớn, trong khi Mexico xuất khẩu nhiều loại trái cây và rau quả tươi. Mexico cũng là nước xuất khẩu phụ tùng ôtô lớn nhất sang Mỹ. Trung Quốc là nước xuất khẩu chính các loại chip sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính xách tay.
Người tiêu dùng không chỉ mua trực tiếp hàng nhập khẩu. Thuế quan sẽ đẩy vật liệu nhập khẩu lên, trong đó dùng để sản xuất các sản phẩm trong nước.
Nhóm nghiên cứu Tax Foundation ước tính mức thuế mới sẽ tăng tổng thuế lên 1.200 tỷ USD. Ông Trump ca ngợi ý tưởng này vì cho rằng chính phủ Mỹ sẽ thu nhiều hơn thông qua thuế quan, song sau cùng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá hàng hóa cao hơn.
Người Mỹ dường như đã chuẩn bị tâm lý. Trong thăm dò từ Harris/Guardian vào tháng 11/2024, gần 2/3 người Mỹ dự đoán viễn cảnh giá cả sẽ tăng nếu ông Trump áp thuế quan.
Các quốc gia phản ứng ra sao?
Ngày 1/2, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã ra lệnh trả đũa động thái mới nhất từ Nhà Trắng. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, bà Sheinbaum cho biết Mexico muốn đối thoại thay vì đối đầu với nước láng giềng phía bắc, song Mexico buộc phản đáp trả.
"Tôi đã chỉ thị cho bộ trưởng Kinh tế thực hiện kế hoạch B, bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích của Mexico", bà Sheinbaum viết song không nêu chi tiết cụ thể hàng hóa nào là đối tượng mục tiêu.
Theo một số nguồn tin từ Reuters, Mexico nhắm tới mức thuế 5-20% với thịt lợn, pho mát, nông sản tươi sống, cũng như thép và nhôm, trong khi ngành công nghiệp ôtô sẽ được miễn trừ.
Bà Sheinbaum cũng bác bỏ cáo buộc từ Nhà Trắng, gọi thông tin các băng đảng ma túy có liên minh với chính phủ Mexico là “vu khống”. Tổng thống dẫn chứng kể từ khi bà nhậm chức hồi tháng 10/2024, Mexico đã thu giữ 20 triệu liều fentanyl, bắt giữ hơn 10.000 cá nhân có liên quan.
Hồi năm 2018, sau khi ông Trump áp thuế với thép và nhôm Mexico, Mexico đã đáp trả bằng thuế lên thịt lợn, pho mai và nhiều hàng hóa khác. Một năm sau, hai nước đạt được thỏa thuận dỡ bỏ thuế quan.
Trong khi đó, Thủ tướng Justin Trudeau hôm 1/2 cho biết Canada sẽ áp thuế 25% với 106,5 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Quy định có hiệu lực với 20 tỷ USD từ ngày 4/2, và số còn lại sẽ bắt đầu sau 21 ngày.
Nhà lãnh đạo Canada nói bia, rượu vang, rượu bourbon, trái cây và nước ép trái cây, một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, dụng cụ thể thao và đồ gia dụng sẽ nằm trong danh sách đánh thuế. Ông Trudeau nhấn mạnh không chỉ người dân Canada, người dân Mỹ cũng chịu ảnh hưởng từ hành động của ông Trump.
Ngoài ra, ông Trudeau cho hay một số biện pháp phi thuế quan, trong đó có biện pháp liên quan tới khoáng sản quan trọng, mua sắm năng lượng và quan hệ đối tác khác, đang được xem xét.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại (MOFCOM) cho biết Bắc Kinh sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì “các hành vi sai trái của Mỹ” khi áp thuế lên hàng hóa nước này. Tuyên bố khẳng định Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng để bảo vệ quyền và lợi ích của nước này, Global Times đưa tin.
“Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết phản đối thuế quan áp dụng với hàng hóa Trung Quốc từ Mỹ”, tuyên bố ghi.
MOFCOM cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ xem xét và giải quyết các vấn đề nội địa, như fentanyl, “theo cách khách quan và hợp lý, thay vì sử dụng thuế quan như một biện pháp cưỡng chế với các quốc gia khác”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/toan-canh-don-thue-quan-moi-nhat-cua-ong-trump-post1528699.html