Tác động từ vụ khinh khí cầu Trung Quốc lan rộng
Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc bất chấp những căng thẳng mới, nhiều chính trị gia ở Mỹ kêu gọi ban hành chính sách đối phó cứng rắn hơn.
Lầu Năm Góc hôm 8-2 khẳng định khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ là "khí cầu giám sát tầm cao" nhưng không gây ra mối đe dọa quân sự hay dân sự. Dù vậy, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton cáo buộc chính quyền ông Biden để khinh khí cầu bay trên lục địa Mỹ trong nhiều ngày là "gây nguy hiểm cho người dân Mỹ".
Trong Thông điệp Liên bang hôm 8-2, Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc nhưng cảnh báo Washington sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của mình. Trả lời phỏng vấn sau đó, Tổng thống Joe Biden khẳng định vụ khinh khí cầu bị bắn hạ không làm tổn hại đến quan hệ song phương.
Tờ Guardian dẫn lời ông chủ Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc nhưng không tìm kiếm xung đột. Đây là lần thứ hai trong tuần này ông Biden tìm cách giảm thiểu tác động của vụ việc. Trong khi đó, phía Trung Quốc hôm 7-2 yêu cầu Mỹ trả lại xác khinh khí cầu và gọi quyết định bắn hạ khinh khí cầu của Mỹ là một "phản ứng thái quá".
Từ vụ khinh khí cầu, nhiều quốc gia đang rà soát lại các công nghệ giám sát tại nước mình. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles hôm 9-2 thông báo Úc sẽ kiểm tra các văn phòng của bộ này giữa lúc xuất hiện thông tin các camera do Trung Quốc sản xuất gây rủi ro an ninh.
Trong một cuộc kiểm tra, có hơn 900 sản phẩm do các công ty Trung Quốc Hikvision và Dahua chế tạo được lắp đặt tại các văn phòng chính phủ Úc. Ông Marles khẳng định số camera này sẽ bị gỡ bỏ.
Theo hãng tin Reuters, các cơ quan chính phủ Anh hồi tháng 11 năm ngoái cũng được yêu cầu ngừng lắp đặt camera giám sát có liên kết với Trung Quốc tại các tòa nhà quan trọng với lý do an ninh.