Tác dụng của vitamin nhóm B với hệ thần kinh
Học sinh, sinh viên khắp cả nước sắp bước vào các kỳ thi căng thẳng. Không ít người tìm mua thuốc bổ để sử dụng với mong muốn có hệ thần kinh khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, đạt hiệu quả thi cử tốt nhất. Trong các thuốc bổ thường chứa hàm lượng vitamin nhóm B cao. Vì vậy khi dùng thuốc, người sử dụng nên biết tác động của các vitamin nhóm B tới hoạt động của hệ thần kinh thế nào?
Vitamin là những chất hữu cơ, cơ thể hầu như không tự tổng hợp được mà phải đưa từ ngoài vào. Chỉ với một lượng rất nhỏ nhưng có tác dụng duy trì các quá trình chuyển hóa đảm bảo sự sinh trưởng và hoạt động bình thường của cơ thể. Khi thiếu hay thừa vitamin đều gây rối loạn chuyển hóa và những bệnh lý liên quan. Đối với vitamin nhóm B, không thể thiếu để đảm bảo cho sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh.
Vitamin B1
Vitamin Bl có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucid. Nhu cầu về vitamin Bl của cơ thể hàng ngày trung bình từ 1 - l,5mg. Nhưng nhu cầu này phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn, nếu ăn nhiều glucid thì nhu cầu vitamin B1 lại tăng lên. Vitamin Bl có nhiều trong men bia, cám gạo, mầm lúa mì, thịt, gan, thận, trứng. Bình thường vitamin B1 hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, thải trừ qua nước tiểu. Nhưng nếu vì lý do nào đó mà rối loạn quá trình hấp thu, hoặc ăn ít, hoặc chế biến thực phẩm không đúng cách... sẽ gây ra thiếu vitamin B1.
Khi thiếu vitamin Bl sẽ gây ứ đọng các chất cetonic trong máu dẫn đến rối loạn chuyển hóa gây bệnh tê phù, suy tim, giãn mạch ngoại biên, viêm dây thần kinh ngoại vi. Vì vậy vitamin B1 dạng thuốc được chỉ định trong điều trị bệnh tê phù; các trường hợp đau nhức dây thần kinh lưng, hông và dây thần kinh sinh ba, các trường hợp mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa.
Vitamin B6
Vitamin B6 có nhiều trong thịt, gan, thận, men bia, mầm ngũ cốc. Trong rau quả cũng có nhưng ít hơn. Nhu cầu về vitamin B6 tăng khi ăn nhiều protid. Vitamin B6 dễ hấp thu qua trường tiêu hóa, chuyển hóa ở gan tạo chất chuyển hóa không còn hoạt tính, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.
Vitamin B6 chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa acid amin quan trọng trong đó có việc khử nhóm CO2 để chuyển acid glutamic thành acid gama - aminobutyric (GABA) là chất dẫn truyền thần kinh loại ức chế. Khi thiếu vitamin B6 có thể gây các bệnh ở da và thần kinh như viêm da, lưỡi, khô môi, dễ bị kích thích. Nếu thiếu nặng gây viêm dây thần kinh ngoại biên, thiếu máu, co giật. Vì vậy, vitamin B6 dạng thuốc được chỉ định phòng và điều trị các trường hợp thiếu vitamin B6, phòng và điều trị một số bệnh ở hệ thần kinh do các thuốc khác (như isoniazid) gây ra.
Vitamin B12
Đây là tên chung chỉ các cobalamin hoạt động trong cơ thể như: cyanocobalamin, hydroxocobalamin... Chúng có chủ yếu trong động vật như thịt, cá, trứng, gan... ngoài ra trong cơ thể người được tổng hợp một lượng nhỏ nhờ một số vi khuẩn ở ruột. Các cobalamin đóng vai trò quan trọng là các coenzym đồng vận chuyển tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng trong đó đáng chú ý là quá trình chuyển hóa acid folic và tổng hợp ADN nên rất cần cho sự tổng hợp sinh hồng cầu. Ngoài ra còn tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid và hoạt động bình thường của hệ thần kinh.
Vitamin B12 được hấp thu qua đường tiêu hóa hoặc qua đường tiêm. Trong đó đáng chú ý là muốn hấp thu được qua đường tiêu hóa thì cần phải có một yếu tố nội của cơ thể (là một glycoprotein do tế bào niêm mạc dạ dày tiết ra). Vì vậy, ở người bị viêm loét dạ dày mạn tính dễ dẫn đến thiếu vitamin B12. Khi vitamin B12 vào cơ thể, chúng được tích trữ nhiều ở gan, thần kinh trung ương, tim và nhau thai, thải trừ nhanh qua thận.
Khi thiếu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu to, viêm đa dây thần kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động khu trú ở chân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin B12 như trong bệnh Biermer, sau cắt đoạn dạ dày ruột, hội chứng kém hấp thu, xơ gan, viêm gan mạn, phụ nữ có thai hoặc sau dùng một số thuốc như neomycin, sodanton... Do vậy thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp thiếu máu nhất là thiếu máu hồng cầu to, viêm và đau dây thần kinh, dự phòng thiếu máu ở người bị cắt dạ dày hoặc viêm ruột mạn. Ngoài ra có thể kết hợp với các vitamin khác trong các trường hợp cơ thể suy nhược, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, cho con bú. Chú ý thuốc không được dùng cho người bệnh ung thư, người mẫn cảm với thuốc.
Vitamin B5
Vitamin B5 (acid pantothenic) có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, thận, gan và thịt bò. Vitamin B5 dạng thuốc dễ hấp thu qua đường tiêu hóa, phân phối tới tất cả các mô, không bị phân hủy trong cơ thể và thải trừ qua nước tiểu.
Pantothenic là thành phần quan trọng để tổng hợp coenzym A. Coenzym A là đồng yếu tố cho những phản ứng oxy hóa nhóm hydrat cacbon, tái tạo glucose, phân hủy acid béo, tổng hợp sterol, hormon steroid, porphyrin. Ngoài ra còn có vai trò trong định vị tế bào, sự ổn định và hoạt tính của protein. Khi thiếu coenzym A có các triệu chứng như thoái hóa thần kinh, thiểu năng tuyến thượng thận với các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, đau bụng, đầy hơi, dị cảm tay chân, co thắt cơ. Acid pantothenic không được sản xuất đơn độc mà thường phối hợp trong các chế phẩm đa sinh tố, các sản phẩm dinh dưỡng.
Thông thường chúng ta thường thiếu nhiều vitamin cùng một lúc chứ ít khi thiếu đơn độc một loại vitamin nào. Do đó khi điều trị cần phối hợp các vitamin. Nếu thiếu ít thì có thể bổ sung bằng đường ăn uống, nhưng khi thiếu nhiều thì phải dùng đến dạng thuốc, tuy nhiên dùng thế nào và dùng bao nhiêu thì cần có ý kiến của bác sĩ nhất là khi dùng dạng tiêm.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-cua-vitamin-nhom-b-voi-he-than-kinh-n175488.html