Tác dụng khi xoa bụng ngược và thuận chiều kim đồng hồ

Xoa bụng đúng cách có thể ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa nhưng người đang có u, nhiễm trùng không nên làm.

Xoa bụng là phương pháp sức khỏe đơn giản và dễ học, tác dụng chính của xoa bụng là điều hòa lá lách, dạ dày và đường ruột, cải thiện chứng khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, viêm dạ dày mãn tính và các bệnh liên quan khác.

Bụng là một trong những bộ phận dễ bị tổn thương nhất do sự tích tụ chất béo. Tư thế và thói quen ăn uống kém khiến bụng dưới dễ bị tích tụ mỡ.

Một số tác dụng khi xoa bụng

Nhiều người thường có thói quen ăn quá no nên việc xoa bụng một chút có thể giảm sự khó chịu ở khoang bụng. Ăn quá nhiều gây đầy hơi, bạn cũng có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách xoa bụng.

Khi đến tuổi trung niên, vòng bụng của nhiều người bắt đầu "to", phụ nữ xuất hiện các triệu chứng đầy hơi và đàn ông thường có "bụng bia" lớn thì trông vẻ bề ngoài rất cồng kềnh và không khỏe mạnh.

Lúc này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa rủi ro bệnh tật và giảm nhẹ số đo thông qua việc xoa bụng.

Xoa bụng mang lại tác dụng gia tăng lưu lượng máu ở vùng bụng và ruột cơ trơn, tăng cường hoạt động của thành ruột bên trong ở cơ quan tiêu hóa. Từ đó tăng cường chức năng hoạt động của hệ bạch huyết, chức năng hoạt động của đường ruột cũng được cải thiện đáng kể, do đó quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu dinh dưỡng và bài tiết chất thải sẽ thuận lợi hơn.

Dù biết rằng có một lợi ích nhất định trong việc xoa bụng thường xuyên, nhưng nhiều người lại không biết phương pháp chính xác để xoa bụng đúng cách. Hãy cùng các bác sĩ tìm hiểu cách làm thế nào vùng bụng khỏe mạnh, các huyệt đạo ở bụng và cách chính xác để xoa bụng dưới đây.

Xoa bụng đúng cách có thể ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa (Ảnh: istock)

Xoa bụng đúng cách có thể ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa (Ảnh: istock)

Tác dụng khi xoa bụng ngược và thuận chiều kim đồng hồ

Theo Today’s Weekly, hướng massage bụng cũng có những tác dụng khác nhau:

Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ: Ngăn ngừa táo bón

1. Xoa lòng bàn tay vào nhau để làm ấm.

2. Đặt lòng bàn tay lên rốn và massage từ từ theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài. Lặp lại động tác 10 phút, khoảng 50 lần.

Chuyển động này đi dọc theo ruột già, tác dụng ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy đại tiện.

Xoa bụng ngược chiều kim đồng hồ: Giảm tiêu chảy mạn tính

1. Xoa lòng bàn tay vào nhau để làm ấm.

2. Đặt lòng bàn tay lên bụng, massage từ từ ngược chiều kim đồng hồ từ ngoài vào trong. Lặp lại hành động 10 phút, khoảng 50 lần.

Lưu ý

- Khi massage bụng, bạn chỉ cần dùng tay, không cần dụng cụ khác. Cường độ phải đều và chậm, miễn là không có cảm giác khó chịu và không bị đau. Cố gắng nằm càng phẳng càng tốt. Nếu thời gian và không gian không cho phép thì có thể ngồi thẳng.

- Thời điểm thực hiện tốt nhất là trước khi đi ngủ vào buổi tối, hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng và đã đi tiểu.

- Vì nhu động ruột được thúc đẩy trong quá trình xoa bóp nên bạn có thể cảm thấy đầy hơi, đói, không cần phải lo lắng.

- Những người đang bị nhiễm trùng bụng cấp tính, có u, thiếu tiểu cầu không được phép xoa bóp để tránh tổn thương lan rộng. Nếu da có mủ hoặc chảy máu thì phải chữa trước rồi mới xoa bóp.

- Phụ nữ mang thai không massage vùng bụng bởi nếu không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Khánh An (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tac-dung-khi-xoa-bung-nguoc-va-thuan-chieu-kim-dong-ho-ar826061.html