Tác giả Anh sẽ được trả tiền khi tác phẩm được dùng huấn luyện AI
Theo The Guardian, các cơ quan cấp phép bản quyền tại Vương quốc Anh vừa công bố một sáng kiến cấp phép tập thể mới, cho phép các tác giả được trả tiền khi tác phẩm của họ được sử dụng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây là bước đi được đánh giá là tiên phong trong bối cảnh Luật Bản quyền đang đứng trước nhiều thách thức trong kỷ nguyên công nghệ.
Giấy phép này do Cơ quan Cấp phép Bản quyền Anh (CLA) phát triển, dưới sự điều hành của Dịch vụ Cấp phép Nhà xuất bản (PLS) và Hiệp hội Cấp phép và Thu thập Tác quyền (ALCS).
Dự kiến ra mắt vào mùa hè năm nay, giấy phép sẽ cho phép các tác giả và nhà xuất bản, đặc biệt là những người không đủ điều kiện đàm phán riêng với các công ty AI, vẫn có thể nhận được thù lao cho việc sử dụng tác phẩm của mình.

Các tác giả phản đối bên ngoài Meta về cáo buộc vi phạm bản quyền của công ty khi sử dụng sách để đào tạo AI. Ảnh: Shutterstock
Tín hiệu tích cực cho những người cầm bút
Bà Barbara Hayes, Giám đốc điều hành ALCS, cho biết: “Khi khảo sát các thành viên năm ngoái, 81% cho biết họ muốn tham gia một giải pháp cấp phép tập thể nếu ALCS có thể đảm bảo khoản bồi thường hợp lí khi tác phẩm bị dùng để huấn luyện AI mà không có sự cho phép từ cá nhân.”
Sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang xem xét về đề xuất cho phép các công ty AI được miễn trừ bản quyền trong quá trình khai thác văn bản và dữ liệu.
Đề xuất này đang gây tranh cãi vì cho phép sử dụng tác phẩm có bản quyền mà không cần xin phép, trừ khi chủ sở hữu chủ động từ chối.
Theo bà Hayes, điều này sẽ đưa ra “rất ít lựa chọn, không đảm bảo thù lao cho người sáng tạo và thiếu minh bạch về việc tác phẩm nào đang bị khai thác”.
Giải pháp thị trường công bằng và bền vững
Ông Mat Pfleger, Giám đốc điều hành CLA, cho rằng giấy phép tập thể là một giải pháp khả thi.
“Chúng tôi muốn mở ra một con đường pháp lý rõ ràng, giúp các công ty công nghệ truy cập nội dung có chất lượng, đồng thời đảm bảo tác giả và chủ sở hữu bản quyền được bồi thường công bằng”, ông nói.
ALCS cho biết mô hình cấp phép tập thể tại Anh hoàn toàn có thể áp dụng cho các công ty nước ngoài nếu họ muốn tiếp cận nội dung có bản quyền một cách hợp pháp. Tuy nhiên, chi tiết về mức tiền mà tác giả có thể nhận vẫn chưa được công bố, vì còn chờ thảo luận với các tác giả tiềm năng.
Ông Tom West, Giám đốc điều hành PLS, nhấn mạnh: “Đây là bước đi cần thiết để xây dựng một cơ chế công bằng, minh bạch và bền vững trong việc sử dụng nội dung sáng tạo trong thời đại AI.”
Trong khi luật bản quyền vẫn đang được hoàn thiện tại Anh, một cuộc tranh luận tương tự cũng bùng lên tại Mỹ.
Meta và OpenAI đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các tác giả và nhà xuất bản, với cáo buộc vi phạm bản quyền khi sử dụng tác phẩm văn học để huấn luyện mô hình AI mà không xin phép.
Nguyên đơn cho rằng việc thu thập dữ liệu này là hành vi khai thác trái phép và xâm phạm quyền lợi của người sáng tác.
Còn Meta lập luận rằng việc xin cấp phép cho khối lượng sách khổng lồ dùng để huấn luyện AI là không khả thi về mặt kinh tế, và việc đàm phán riêng lẻ với hàng triệu tác giả là điều gần như không thể.
Các vụ kiện này đang làm dấy lên tranh luận gay gắt về ranh giới pháp lý giữa công nghệ và quyền tác giả.