Tác giả phù điêu 'Dân quân tự vệ bảo vệ Thủ đô' gắn trên biệt thự Pháp cổ lên tiếng

Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp, tác giả của bức phù điêu Dân quân tự vệ bảo vệ Thủ đô gắn trên tường biệt thự Pháp cổ 4 mặt tiền, nằm trên phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học cho biết, Hà Nội nên cố gắng giữ lại tác phẩm này như một nơi lưu lại dấu tích của chiến tranh.

Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp sinh năm 1952, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Năm 1977, khi vừa mới ra trường được vài tháng và bắt đầu về làm việc tại Công ty mỹ thuật Hà Nội (43 Tràng Tiền), nhà điêu khắc trẻ tuổi đã được giao làm bia kỷ niệm 10 năm sự kiện quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ tại phố Lê Trực (năm 1967). Và từ năm 1977 bức phù điêu được gắn ở vị trí hiện tại, tính đến nay đã được 45 năm.

Nhớ về khoảng thời gian đó, nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp cho biết, tác phẩm được thực hiện một cách gấp gáp trong điều kiện kinh phí eo hẹp, không có nhân lực và không có không gian cho tác phẩm. Chính vì thế, ban đầu, UBND Hà Nội định làm bia tưởng niệm nhưng sau rút xuống làm phù điêu gắn lên tường với kích thước nhỏ hơn vài lần so với bản thiết kế.

Bức phù điêu nằm trên phố Hùng Vương-Nguyễn Thái Học

Bức phù điêu nằm trên phố Hùng Vương-Nguyễn Thái Học

Vừa ra trường lại được giao làm một công trình có ý nghĩa, kỷ niệm một sự kiện hào hùng của quân dân Hà Nội, nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp đã rất hào hứng và dành tâm huyết cho "đứa con tinh thần" đầu tiên. Khi mẫu phác thảo được duyệt và đưa ra phương hướng thi công, chỉ trong 2 tuần, tác phẩm đã hoàn thành. Tác giả kiêm nhiệm cả người thi công, mang tác phẩm đến gắn với sự giúp sức của bạn bè, đồng nghiệp là nhà điêu khắc Nguyễn Tự (tác giả của công trình tượng đại Khâm Thiên).

45 năm qua, tác phẩm đã có mặt tại một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội và nằm trong tòa biệt thự Pháp cổ, đã như một chứng tích nhắc nhớ về lịch sử hào hùng của những năm "Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ" với những cô gái "súng bên vai sao vuông đầu mũ", mắt tươi sáng và "chân bước hiên ngang" như trong lời bài hát "Bài ca Hà Nội" của nhạc sĩ Vũ Thanh.

Khi nhận thông tin, rất có thể bức phù điêu sẽ bị phá hủy cùng với quá trình tháo dỡ công trình biệt thự Pháp cổ, nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp cảm thấy luyến tiếc. Vì đó là kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, đánh dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác. Đồng thời, tác phẩm còn là nơi ghi lại dấu vết của chiến tranh đã đi qua trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Thật may, UBND quận Ba Đình đã có văn bản đề nghị không phá hủy bức phù điêu và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng sau đó đã có yêu cầu dừng công trình tháo dỡ. Nhờ đó, đến nay, bức phù điêu 45 tuổi vẫn còn đó.

Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp

Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp

Theo nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp, bà mong muốn Hà Nội sẽ giữ lại bức phù điêu. Nếu có một công trình mới mọc lên ở vị trí này, bức phù điêu cần được bọc lại, xuất hiện phù hợp với cảnh quan kiến trúc mới. Hà Nội đang phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng những gì thuộc về di tích, di sản cần bảo tồn cho con cháu mai sau.

Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp cho biết, bà có thời gian sống ở Sài Gòn khá lâu, cũng mới trở lại Hà Nội được vài năm nay. Dù đã lâu, bà chưa trở lại phố Hùng Vương để ngắm lại tác phẩm đầu tiên của mình nhưng bà vẫn nhớ như in từng chi tiết trên tác phẩm và luôn cảm thấy hạnh phúc khi tác phẩm được gìn giữ tới ngày hôm nay và cho mai sau.

Hương Thủy

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tac-gia-phu-dieu-dan-quan-tu-ve-bao-ve-thu-do-gan-tren-biet-thu-phap-co-len-tieng-post500843.antd