Tác giả 'Tết ở làng Địa ngục' ra sách mới lấy cảm hứng từ chuyện có thật
Cuốn sách mới '25 độ âm' của tác giả tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng Thảo Trang do Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành, dựa trên câu chuyện có thật về sự việc gây rúng động thế giới cách đây gần 5 năm trên chiếc container đông lạnh ở Anh.
Hẳn không ai quên được sự việc kinh hoàng, gây rúng động toàn thế giới cách đây gần 5 năm, vào ngày 23-10-2019, cảnh sát Anh đã phát hiện thi thể của 39 người Việt tử vong trong một chiếc xe container đông lạnh. Họ đều là những người tham gia vào chuyến hành trình vượt biên trái phép và bỏ mạng ngay trước giây phút tưởng chừng đã đặt chân được đến “miền đất hứa”. Mọi người biết được kết cục của họ nhưng không biết họ đã thực sự trải qua những gì, phải đối mặt, đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm đáng sợ đến nhường nào khi quyết tâm dấn thân vào con đường phi pháp.
Tiểu thuyết “25 độ âm” của tác giả Thảo Trang phần nào trả lời những câu hỏi ấy.
Đây là cây bút 9X nổi bật trên văn đàn trẻ với 2 tiểu thuyết kinh dị “Tết ở làng Địa ngục” và “Ngủ cùng người chết”. Trong đó, cuốn “Tết ở làng Địa ngục” đã tiêu thụ hàng chục nghìn bản và được chuyển thể thành phim ăn khách, đoạt nhiều giải thưởng.
Cuốn “25 độ âm” dày 328 trang, đưa người đọc theo chân nhân vật Lam bước vào hành trình sinh tử trên con đường vượt biên từ Nga tới Pháp và cuối cùng là Anh vô cùng chân thực và tàn khốc. Đồng hành với Lam là Đức Hà Nội, bà Loan, ông Sang, Phượng và Duy Anh.
Trên mỗi cung đường vượt biên, họ làm quen, gặp gỡ đồng bào mình và cả những con người không cùng màu da, sắc tộc. Mỗi người ra đi với những lý do, hoàn cảnh đưa đẩy khác nhau. Họ không biết rằng, hành trình này là con đường chết chóc, nơi tử thần luôn rình rập những kẻ “bán mạng”, kết cục cuối cùng đang đón đợi họ là cánh cửa địa ngục…
Từng theo học đại học chuyên ngành xã hội học, nhà văn Thảo Trang đã dành 4 năm tìm hiểu thông tin, có 200 cuộc phỏng vấn, thu thập 23kg tài liệu, nỗ lực và dày công nghiên cứu để viết “25 độ âm”. Tác phẩm vẫn mang phong cách viết rùng rợn, đậm chất điện ảnh, đan cài những nút thắt, nút mở và hàng loạt tình tiết hư cấu khơi gợi sự tò mò.
Theo từng cung đường, người đọc giống như tham gia vào một trò chơi sinh tồn, dồn dập, tàn khốc, đau đớn và không có lối thoát. Tác phẩm muốn truyền đi thông điệp rằng, con đường vượt biên chính là như thế, liệu có đáng đánh đổi mạng sống, tương lai để bước vào hay không?