Tác giả 'Thương ngày nắng về' lên tiếng khi bi kịch của Khánh (Lan Phương) bị đẩy lên quá đà
Biên kịch Thu Thủy đã có bài chia sẻ khá dài trên trang cá nhân về những tình tiết gây tranh cãi trong 'Thương ngày nắng về' những tập gần đây.
Những tập gần đây của Thương ngày nắng về, Khánh (Lan Phương) sống trong đau khổ khi chồng đem tiền của nhà đi đầu tư rồi thua lỗ, ngày ngày đều sống trong lời chì chiết của mẹ chồng, chị chồng. Bi kịch đẩy lên đỉnh điểm trong tập 20, cô bị chính chị chồng giăng bẫy, gán cho tội lăng loàn. Hôn nhân của Khánh và Đức vì vậy cũng đến bờ vực tan vỡ.
Những bị kịch liên tục xảy đến với Khánh mang lại cảm giác mệt mỏi, bức bối cho khán giả. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc sau khi tập phim phát sóng tối 17/5 và đặt ra thắc mắc cho đạo diễn, biên kịch khi xây dựng loạt biến cố cho các nhân vật chính gây ức chế, phi lý.
Trước tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội, sáng 18/5 biên kịch Thu Thủy đã lên tiếng: “Trong mười mấy năm làm nghề, mình không có nhiều những thời điểm lo lắng đến thế, khi một tập phim phát sóng.
Vì mình biết kịch bản thế nào, vì đạo diễn từng nói anh phát điên phát khóc trong phòng dựng thương cho Khánh, và vì chính bản thân mình, một chiều thứ 7 ở phòng hậu kì xem tập phim, đã lặng đi rất lâu vì uất ức, xót xa, dồn nén, bất lực… Cho dù chúng mình có là người tham gia tạo ra câu chuyện đi chăng nữa, cảm giác đó vẫn dâng lên ngột ngạt, thì huống hồ gì là khán giả?”.
Tác giả Thương ngày nắng về cho hay, sau khi cân nhắc, bàn bạc, phân tích, ê-kíp vẫn quyết định đưa những bi kịch của Khánh lên màn ảnh. Trước những câu hỏi “có nhất thiết thế này không?” “liệu có lựa chọn khác không?”, cô muốn khai thác tới cùng, muốn cho nhân vật có một hành trình dẫu tận cùng cay đắng, thì thứ hạnh phúc sau này họ nhận được, cũng sẽ thật lòng xứng đáng.
Biên kịch Thu Thủy nhấn mạnh điều cô cùng ê-kíp muốn khai thác là sức mạnh của sự tuyệt vọng.
“Khánh, chưa bao giờ là người phụ nữ hoàn hảo. Cô ấy đầy vấn đề, đầy thiếu sót, luôn loay hoay với việc sắp xếp cuộc đời mình. Nhưng có một thứ cô ấy trọn vẹn và đẹp đẽ, là tình yêu thương với 2 đứa con, là ước ao cho chúng một sự đủ đầy thương yêu nhất…
Hành trình của Khánh, gian truân, trầy xước, và chúng mình, người tạo ra những vết thương cho nhân vật, không dễ dàng gì. Khi yêu câu chuyện của mình, yêu nhân vật của mình, thì nỗi đau của nhân vật, chúng mình chính là những người trải nghiệm đầu tiên”.
Chia sẻ thêm, cô nhắc đến NSND Lan Hương khi nhận phản ứng gay gắt của khán giả vì vai mẹ chồng quá quắt: Cô Hương Bông nói “quan điểm của tôi là làm việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn, muốn thể hiện vai diễn cũng phải thật đến nơi đến chốn”.
Chúng mình đồng cảm với cô Hương Bông vô cùng, và mình tin những người làm nghề cũng sẽ có nhiều chia sẻ với điều đó. Trong cuộc sống và cả trong nghề nghiệp nữa, cái cụm từ “đến nơi đến chốn” tưởng như nhẹ tựa lông hồng vậy thôi, nhưng thật ra, nó luôn luôn là những lựa chọn không dễ dàng gì. Để không thành kẻ đẽo cày giữa đường, để không thành gió chiều nào che chiều ấy, thì rõ ràng, một người làm nghề cũng cần phải dần làm quen với lời chỉ trích, dù với câu chuyện, hay với nhân vật, hay là chính bản thân mình”.
Bên cạnh đó, nữ biên kịch chia sẻ, những phẫn nộ, những chỉ trích, những đồng cảm, những góp ý, những đòi hỏi của khán giả, cả nhóm nội dung cũng như ê-kíp làm phim thực tâm đón nhận.
Đồng thời, cô gửi lời cảm ơn khán giả đã thương, đã yêu, đã xót xa, phẫn nộ, đã yêu cầu và đòi hỏi với Thương ngày nắng về. “Ở khía cạnh nào, chúng mình cũng luôn thấy đó là động lực để cố gắng và hoàn thiện nhiều hơn cho chặng đường sắp tới”, biên kịch Thu Thủy bày tỏ.