Tác hại của tình trạng lệch múi giờ xã hội
Thuật ngữ 'social jet lag' (lệch múi giờ xã hội) đã được nhà nghiên cứu người Đức Till Roennenberg đưa ra năm 2006 để nói về sự không phù hợp giữa nhịp sinh học của một cá nhân (đồng hồ sinh học) và thế giới bên ngoài. Việc ở trong trạng thái lệch múi giờ xã hội trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, bài viết mới đây trên kênh tin tức ABC dẫn nghiên cứu của Giáo sư Simon Smith thuộc Đại học Queensland, người chuyên nghiên cứu về giấc ngủ và sức khỏe, cho biết hầu hết các chức năng quan trọng của cơ thể đều hoạt động theo đồng hồ sinh học và hoạt động tốt nhất khi các chức năng này được đồng bộ hóa. Việc phá vỡ đồng hồ sinh học cũng sẽ phá vỡ các chức năng này, và việc thiết lập lại đồng hồ sinh học có thể mất rất nhiều thời gian.
Giáo sư Smith cho biết có nhiều lý do khiến một người không thể nhắm mắt ngủ như mong muốn, có thể là do họ bị rối loạn giấc ngủ, hoặc bị trầm cảm, lo lắng và căng thẳng, cũng có thể vì bị một căn bệnh mãn tính nào đó. Khi việc đi vào giấc ngủ dường như là không thể, Giáo sư Smith cho rằng môi trường sống cũng có thể trở thành một yếu tố, ví dụ như tiếng ồn giao thông, ánh sáng đường phố chiếu vào nhà quá mức, nhiệt độ tăng trong phòng ngủ không có điều hòa, đặc biệt, điện thoại thông minh hiện là một yếu tố gây hại cho việc đi vào giấc ngủ.
Để thoát khỏi tình trạng lệch múi giờ xã hội, trước tiên, mọi người cần hiểu về thời gian ngủ của mình. Bài viết có nêu ý kiến của Giáo sư Russell Foster, người đứng đầu Viện Khoa học Thần kinh về Giấc ngủ và Sinh học tại Đại học Oxford, cho biết bên trong cơ thể của mỗi người là một chiếc “đồng hồ sinh học” giúp điều chỉnh hành vi và sinh lý học theo chu kỳ ngày và đêm của trái đất. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình theo cùng một cách, một số người sẽ dậy sớm hơn và đi ngủ sớm hơn, trong khi một số người sẽ đi ngủ muộn hơn và dậy muộn hơn.
Giáo sư Russell Foster cũng cho rằng tình trạng lệch múi giờ xã hội trong thời gian ngắn có thể dẫn đến các biến chứng chẳng hạn, về mặt trực tiếp, khi không thể xử lý thông tin, con người sẽ "thất vọng, dễ cáu kỉnh, không thể giao tiếp với người khác và mất đi sự đồng cảm". Còn về lâu dài, tình trạng này kéo dài trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ có thể dẫn đến các vấn đề thực sự như bệnh tim mạch, thậm chí là ung thư và các biến cố chuyển hóa lớn. Vì vậy, tình trạng lệch múi giờ xã hội càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 càng cao. Đây là lý do tại sao việc sắp xếp thời gian ngủ phù hợp với thói quen làm việc lại quan trọng đến mức cần được ưu tiên hàng đầu trong tâm trí các nhà tuyển dụng.
Theo Giáo sư Smith, mỗi cá nhân có nhu cầu về thời gian ngủ “tự nhiên” khác nhau trong, nhưng đối với hầu hết người lớn, thời gian ngủ có thể là từ 7-9 giờ mỗi ngày. Việc chú ý đến thời gian thức dậy mỗi ngày - kể cả những ngày cuối tuần - có thể giúp xác nhận một lịch trình ngủ lành mạnh. Giáo sư Smith cho rằng thời lượng giấc ngủ bạn cần là thời lượng giúp bạn sảng khoái và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng, đồng thời tỉnh táo và bình tĩnh trong ngày.
Theo các chuyên gia về giấc ngủ, cách tốt nhất để có giấc ngủ ngon hơn là ngừng lo lắng về nó. Giáo sư Smith cho rằng việc dành đủ thời gian cho giấc ngủ, tạo ra một môi trường không xung đột với giấc ngủ và thiết lập các thói quen báo hiệu giấc ngủ cho cơ thể và tâm trí sẽ giúp ích. Ông cũng gợi ý các bước sau để cải thiện giấc ngủ, ví dụ: giảm cường độ chiếu sáng trong nhà vào buổi tối; đưa ra quyết định sáng suốt về việc sử dụng công nghệ vào ban đêm; giữ thời gian thức dậy cố định; tập thể dục thường xuyên.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng đối với một số người, những thay đổi nhỏ này là không đủ. Trong trường hợp đó, có những chuyên gia về giấc ngủ được đào tạo bài bản - chẳng hạn như nhà tâm lý học và bác sĩ về giấc ngủ - những người có thể cung cấp các phương pháp tập trung hơn để cải thiện giấc ngủ.