Tác nghiệp ở biển Tây mùa gió chướng
Trong một lần nhìn ảnh đại diện (avatar) của tôi trên Facebook, con trai hỏi tôi rằng, đây có phải là hình ảnh ba đi tác nghiệp ở Trường Sa không? Và thật bất ngờ cho cháu… khi tôi trả lời không phải.
Có thể nói, đối với người làm báo ai cũng mong được một lần đến với Trường Sa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Khi được đặt chân đến Trường Sa, trở về từ Trường Sa chắc hẳn rằng những người làm báo đều lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng để làm kỷ niệm và cũng để tự hào với đồng nghiệp…
Vậy mà, khi có cơ hội đến với Trường Sa thông qua chuyến công tác của các bộ, ngành trung ương thăm tặng quân và dân Trường Sa nhân kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-2013, tôi lại xin được đổi tuyến khác, đó là vùng biển Tây Nam dịp cuối năm…
Vào những ngày cuối năm 2013, khi những đồng nghiệp đang tất bật với đề tài tết, hành trình về với quân và dân vùng biển Tây Nam của tôi bắt đầu…
Do thời tiết vùng biển Tây Nam đang chuyển biến xấu và dự báo sẽ xấu hơn, đoàn công tác quyết định rút ngắn thời gian, lịch trình vì thế cũng sớm hơn 1 ngày. Vì vậy, vừa đặt chân đến “tổng hành dinh” Vùng 5 Hải quân (thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cánh nhà báo ít ỏi của chúng tôi được lệnh chuẩn bị mọi thứ để sau cơm chiều là lên tàu ra quần đảo Thổ Chu.
Không to đẹp như tàu Trường Sa (HQ 571), tàu Khánh Hòa 01 (HQ 561) đều có tải trọng trên 2.000 tấn, con tàu đưa chúng tôi đi hải trình Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du và Hải Tặc (Hòn Đốc) là tàu HQ 637 tải trọng hơn 400 tấn của Lữ đoàn 127. Hạ thủy đưa vào sử dụng năm 1997 nên khá cũ kỹ, song bù lại là thủy thủ đoàn rất năng động, nhiệt tình và hầu hết tuổi đời còn rất trẻ.
Sau khi sắp xếp mấy phòng nghỉ trong cabin và nhà ăn dành cho các lãnh đạo đoàn công tác và chị em phụ nữ, cánh nhà báo chúng tôi được hướng dẫn căng bạt, mắc võng nghỉ ngơi trên bong tàu… Khoảng 19 giờ 30 tối, tàu rời cảng An Thới đi Thổ Chu. Sau hơn ½ hải trình khá yên ắng, gần 1 giờ sáng, tôi và các đồng nghiệp thức giấc vì sóng nhồi ngày càng mạnh. 5 giờ sáng, khi mọi người đều thấm mệt thì gió và sóng cũng dịu dần và quần đảo tiền tiêu nơi vùng biển Tây Nam hiện ra trong tầm mắt với Thổ Chu, Hòn Nhạn, Hòn Xanh, Hòn Khô, Hòn Cao Cát, Hòn Từ, Hòn Keo Ngựa... một màu xanh thẳm.
“Tăng bo” nỗi lo nhà báo
Đúng như dự đoán, tàu HQ 637 không thể cập cảng vì không đảm bảo an toàn. Đoàn được “tăng bo” sang tàu cá của ngư dân để vào đảo… Dù khá nguy hiểm song không một ai “tình nguyện” ở lại tàu. Sau 3 chuyến tăng bo, đoàn lên đảo trong sự chào đón nồng hậu của quân và dân trên đảo.
Do lịch trình ngắn, tôi quyết định tách đoàn, chinh phục đỉnh cao 164m để thăm Trạm Radar 610 – mắt thần canh giữ vùng biển, vùng trời tại cực Tây Nam Tổ quốc, những hình ảnh về hoạt động của đoàn công tác nhờ các anh em đồng nghiệp hỗ trợ.
Dù được biết hôm nay sẽ có đoàn công tác đến thăm nhưng các cán bộ, chiến sĩ ở đây khá bất ngờ khi tôi là vị khách đầu tiên của đoàn công tác đến đơn vị. Tận dụng thời gian vàng này, tôi đã thực hiện thành công 1 phóng sự cho chuyên mục “Biển đảo quê hương” cùng những hình ảnh ấn tượng về công tác chuẩn bị đón xuân nơi đỉnh cao của đảo tiền tiêu này. Điều đáng tiếc là tôi không thể tặng các anh bài hát “Xuân về trên đồi Bằng Lăng” dẫu khung cảnh và xúc cảm dâng trào. Tôi chỉ có thể kể cho các anh nghe về những đồng nghiệp ở BPTV giờ này cũng đang canh giữ làn sóng phát thanh - truyền hình ở đỉnh cao 736m của núi Bà Rá. Dù không xa xôi cách trở, hiểm nguy như các anh ở nơi này, nhưng gian khổ và trọng trách bên mình vẫn không quá kém phần…
Khi sĩ quan trực ban thông báo đoàn công tác bắt đầu lên thì cũng là lúc tôi từ biệt các anh để cảm nhận thêm về nhịp sống của vùng đất này sau gần 30 năm giải phóng và tròn 20 năm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa người dân ra đảo sinh sống. Là người được Ban giám đốc giao phụ trách chuyên mục “Biển đảo quê hương”, những dịp như thế này là điều kiện quý để tích lũy kiến thức, hình ảnh, tư liệu để phục vụ công tác tuyên truyền sau này. Chính vì vậy, thời gian phải được tận dụng tối đa cho công việc…
Một ngày ở Thổ Chu nhanh chóng qua đi khi xế chiều chúng tôi là những người sau cùng được lệnh rời đảo về tàu dùng cơm tối trước khi vượt sóng gần 150km đi Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Thời tiết xấu, ngược gió tàu chỉ chạy dưới 10 hải lý/giờ nên mất gần 1 đêm đoàn mới đến được Hòn Chuối. Đang mùa gió chướng nên dù tàu đã đảo qua hướng Gành Nam song sóng vẫn lớn… Vẫn phải “tăng bo” nhưng lần này khó khăn hơn cả. Đầu tiên là 30 người tăng bo sang tàu cá của ngư dân. Sóng nhồi liên hồi nên việc sang tàu rất nguy hiểm, dù có sự hỗ trợ của hải quân và ngư dân giàu kinh nghiệm ở vùng biển này nhưng trượt ngã vẫn xảy ra, may mắn là không có trường hợp nào nghiêm trọng… Sau khi “tăng bo” sang tàu cá di chuyển gần đảo thì tiếp tục tăng bo sang thuyền nhỏ hơn để vào đảo… Mỗi chuyến “tăng bo” là nỗi ám ảnh đối với cánh phóng viên, nhất là truyền hình bởi lỉnh kỉnh trang thiết bị và chuyện hư hỏng thiết bị là không hiếm gặp trong mỗi lần sang tàu như thế.
Thắng lợi từ việc tách đoàn ở Thổ Chu, lần này tôi xin đoàn ở lại “cảng” Gành Nam của đảo. Rút kinh nghiệm từ việc chen chúc theo đoàn công tác mà chưa làm được gì, 2 phóng viên trẻ của VTV Cần Thơ quyết định ở lại “cảng” cùng tôi và một phóng viên của Truyền hình thành phố Cần Thơ... Với sự hợp tác của 3 đơn vị, công việc trở nên thuận lợi và nhẹ nhàng hơn. Sau khi phác thảo đề tài, chúng tôi chia 2 nhóm để tác nghiệp. Nhóm BPTV và Truyền hình thành phố Cần Thơ thực hiện loạt phóng sự về cuộc sống của ngư dân trên đảo, còn nhóm VTV thực hiện phóng sự “Hành trình tìm con chữ” của con em ngư dân trên đảo…
Từ việc ở lại với ngư dân, tôi mới biết được rằng “an cư” là điều xa xỉ đối với người dân nơi này. Bởi, từ tháng chín đến tháng ba âm lịch, người dân sống ở Gành Nam để tránh gió chướng. Và ngược lại, từ tháng ba đến tháng chín âm lịch, cộng đồng lại gồng gánh nhau về Gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai ngọn gió chưa nổi lên, cả hai phía hòn đều lặng sóng.
Cùng ăn bữa cơm ấm áp với người dân ở đây, tôi được hiểu thêm hành trình kiếm con chữ của con em họ cũng đầy trắc trở khi phải vượt qua 303 nấc thang mấp mô, bờ đá lởm chởm đến với lớp học tình thương do trạm biên phòng dựng nơi lưng chừng đảo để tránh những con sóng bạc đầu… để chinh phục tri thức, hoài bão về một tương lai tốt đẹp hơn trên mảnh đất cực Nam của Tổ quốc.
Một trong các ấn tượng của những ngày rong ruổi tác nghiệp trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đó là khi đoàn đặt chân đến Quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Bước ra từ huyền thoại câu chuyện về băng cướp “Cánh buồm đen” Đảo Hải Tặc khoác lên mình vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn là đề tài phong phú của cánh phóng viên.
Khác với tác nghiệp ở nơi khác, tác nghiệp ở vùng biển Tây Nam mùa gió chướng đòi hỏi nhiều yếu tố về sức khỏe và kinh nghiệm, đặc biệt phải nói không với say sóng. Hải trình không dài, nhưng do tàu nhỏ, đêm chủ yếu ngủ trên boong tàu bạt gió và cóng lạnh, ngày thì nắng nóng chói chang... vì thế cũng không phù hợp với người yếu.
Dẫu biết vậy, tôi vẫn chọn vùng biển Tây Nam để tác nghiệp. Tôi tin vào mình và quan trọng hơn công tác tuyên truyền ở vùng biển đảo này từ thời điểm năm 2013 trở về trước vẫn còn quá khiêm tốn. Mọi cây bút hướng nhiều đến Hoàng Sa, Trường Sa hay DK1 mà ít nhớ đến vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam rộng khoảng 360.000 km2 gồm vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam trên vịnh Thái Lan cùng 143 đảo nổi nằm trên đó cùng phần đất liền ven biển thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Các hải đảo vùng biển Tây Nam đóng vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng, có tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo.
Đã gần 10 năm kể từ lần đầu tiên “chọn” tác nghiệp ở vùng biển Tây Nam, tôi vẫn thấy đó là một quyết định đúng, một kỷ niệm đẹp trong đời làm báo về những tình cảm thân thương của người lính đảo, sự nồng hậu, thật thà, mến khách của người dân nơi này…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/200/134175/tac-nghiep-o-bien-tay-mua-gio-chuong