Tác nghiệp ở vùng cao
ĐBP - Gần 10 năm làm báo, tôi có nhiều lần được đến các thôn, bản vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc. Nghề báo thú vị song cũng rất nhiều gian nan, vất vả. Thế nhưng, hành trình càng 'khổ' bao nhiêu thì khi đặt bút viết lại càng 'sướng' bấy nhiêu, bởi mỗi chuyến đi lại có thêm cảm xúc, tư liệu để viết.
Phóng viên Lan Phương, Báo Điện Biên Phủ tác nghiệp tại xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa).
Sau vài năm được giao phụ trách các huyện biên giới, đến nửa cuối năm 2019, tôi cùng phóng viên Lan Phương được Ban Biên tập Báo Điện Biên Phủ giao phụ trách địa bàn huyện Tủa Chùa. Địa bàn mới nên cái gì cũng thấy mới. Từ bộ máy chính quyền, bà con các dân tộc thiểu số, giao thông, điều kiện tác nghiệp... Mới lạ nên càng háo hức. Và ngay chuyến công tác đầu tiên tại địa bàn mới, tôi cùng đồng nghiệp quyết định đi 3 xã dọc tuyến sông Đà: Tủa Thàng, Huổi Só và Sín Chải - đây là các xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa.
Đúng 7 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ trung tâm huyện. Được cảnh báo trước, quãng đường khoảng 50km, rất khó đi. Do đó, chúng tôi chuẩn bị sẵn tinh thần vượt qua những cung đường dốc quanh co, trơn trượt hoặc những đoạn đường gập ghềnh đá cuội. Khoảng 30km đầu tiên, hành trình khá thuận lợi. Chiếc xe máy chạy phăm phăm trên tuyến đường nhựa ôm theo sườn núi. Thế nhưng 20km sau thì thật sự khó khăn. Hết đường nhựa, con đường cấp phối đã nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa nên rất gồ ghề, trơ đá và có nhiều rãnh sâu cắt chéo đường khiến chiếc xe nhiều lần chao đảo. Chân trái đặt vào cần số, chân phải rà phanh và 2 tay ghì chặt tay lái khiến chân tay tê cứng.
Hành trình 50km đường đồi núi kết thúc tại bến Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng). Do hẹn trước, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng Lò Tùng Lâm đã đón chúng tôi từ đầu bến. Nghỉ ngơi, chuyện trò chốc lát, mấy anh em lại tiếp tục di chuyển. Lần này là bằng phương tiện đường thủy. Chiếc thuyền nổ máy, rẽ sóng hướng ra mặt sông Đà. Trong suốt hành trình, chủ thuyền là ông Lò Văn Nhơm, nhà ở thôn Huổi Trẳng kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của người dân dọc tuyến sông trước khi đắp đập, dâng nước làm thủy điện. Rồi cuộc sống thay đổi như thế nào sau khi di chuyển đến các khu vực tái định cư; hoạt động sinh kế trên lòng hồ thủy điện… Anh Lò Tùng Lâm tiếp nối câu chuyện với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của xã trong những năm qua. Đối với những thôn thuộc diện tái định cư như Huổi Trẳng, sự hiệu quả từ các chính sách, chương trình dự án của tỉnh, huyện và xã đối với các hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La đã tạo sinh kế, giải quyết việc làm, giúp người dân ổn định cuộc sống. Anh Lâm cũng chia sẻ thêm về những tiềm năng, kế hoạch phát triển kinh tế vùng ven sông, những thuận lợi và khó khăn...
Gần trưa, chúng tôi ghé thuyền thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà của gia đình ông Lò Văn Yến, thôn Huổi Trẳng. Xuất phát từ dự án hỗ trợ sản xuất của UBND huyện Tủa Chùa, sau 2 năm tham gia dự án, ông Yến vẫn tiếp tục gắn bó với nghề, vay vốn mở rộng quy mô sản xuất với 6 lồng nuôi cá thương phẩm các loại. Nghề nuôi cá lồng giúp gia đình ông Yến thu nhập ổn định. Ông Yến chia sẻ: “Sống ven sông, mọi hoạt động sinh kế đều gắn với sông nước. Ngoài đánh bắt thủy sản truyền thống, người dân trong thôn đang từng bước phát triển thêm nghề nuôi cá lồng. Đến nay, khu vực bến Huổi Trẳng đã có trên 10 hộ nuôi cá lồng. Dự kiến thời gian tới sẽ có nhiều lồng cá hơn nữa”.
Chia tay Tủa Thàng, chúng tôi lại tiếp tục tụt dốc để đến xã Huổi Só. Sau khi vượt qua chặng đường bụi mù, chúng tôi đã đến được điểm hẹn với tổ bảo vệ rừng thôn Háng Pàng, để tham gia buổi tuần tra rừng nghiến cổ thụ - khu vực giao khoán cho cộng đồng thôn Háng Pàng quản lý, bảo vệ.
Từng tham gia rất nhiều cuộc tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa bàn, tôi tự tin rằng mình có sức khỏe, bắt kịp tốc độ của đoàn không quá khó khăn. Tuy nhiên, càng đi sâu vào rừng, độ khó, nguy hiểm đã ngoài dự liệu. Những vách đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn. Mọi người phải bám đá, bám cây rừng để leo lên phía trước, bên cạnh là vực sâu. Có nhiều chỗ chúng tôi phải có sự giúp đỡ của thành viên trong tổ mới vượt qua được. Sau khoảng 2 giờ chật vật, tôi cũng đã có mặt tại rừng nghiến cổ thụ của thôn Háng Pàng. Phóng tầm mắt xung quanh có thể đếm được hàng chục cây gỗ nghiến hàng trăm tuổi, thân xù xì bám đầy rêu; phần gốc nghiến trồi lên khỏi mặt đất để lộ một phần bộ rễ “cơ bắp”. Ở đây, cây nhỏ thì 2 - 3 sải tay người ôm, cây lớn 4 - 5 người ôm không hết. Từ chỗ nghỉ chân, các thành viên tổ bảo vệ rừng tỏa ra các hướng đi kiểm đếm số lượng cây gỗ nghiên cổ thụ theo tọa độ đã đánh dấu, kiểm kê từ trước của lực lượng kiểm lâm. Sau đó, một cuộc họp về công tác quản lý, bảo vệ rừng được tổ chức giữa rừng. Các thành viên tổ bảo vệ thống nhất về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng gỗ nghiến cổ thụ. Cánh rừng này chỉ là một trong những khu vực có gỗ nghiến cổ thụ thuộc sự quản lý của cộng đồng thôn Háng Pàng. Nhiều năm qua, nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tình trạng khai thác trái phép gỗ ghiến đã giảm hẳn. Đồng thời, rừng tạo sinh kế, lâm sản phụ, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Về đến thôn Háng Pàng trời đã xẩm tối. Mặc dù chuyến đi chưa thực hiện hết được kế hoạch đề ra song đây là một hành trình đầy thú vị. Chúng tôi được trải qua nhiều cung bậc, từ “xuống sông” rồi “lên rừng”; tiếp xúc với những người dân thân thiện, chất phác. Và niềm vui lớn nhất là chúng tôi thu nhập được khối thông tin quý giá để tuyên truyền, sẻ chia sâu sát, kịp thời với mảnh đất, con người vùng cao nguyên đá.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/197484/tac-nghiep-o-vung-cao