Tác phẩm dự thi Giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024: Bứt phá thu hút đầu tư tại Nam Định: 'Quả ngọt' từ nghị quyết đúng và trúng (Kỳ II)
Kỳ I: Từ Nghị quyết mở đường
(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ II:Sức bật "Phù Đổng" trong thu hút đầu tư
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư (THĐT) giai đoạn 2021-2025, Nam Định đã ghi nhận những kết quả THĐT đáng khích lệ. Sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tăng lên rõ rệt. Hoạt động xúc tiến, THĐT của tỉnh được triển khai có trọng tâm trọng điểm, sôi động chưa từng có với sự thành công đột phá cả về số lượng, quy mô vốn, chất lượng dự án. Nhiều dự án lớn đã được khởi công, không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm, gia tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nền tảng vững chắc để Nam Định dần khẳng định vị thế trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trong lĩnh vực công nghiệp.
Kết quả ấn tượng
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, dòng vốn đầu tư vào Nam Định tăng trưởng mạnh. Đồng chí Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kết quả THĐT tăng trưởng đột biến trong mấy năm, nâng tổng số dự án đầu tư vào tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2023 đạt 147 dự án trong nước và 46 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 110 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD. 10 tháng năm 2024 (tính đến ngày 24/10), tỉnh tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 61 dự án (gồm 32 dự án đầu tư trong nước, 29 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 7.212,1 tỷ đồng và 228,9 triệu USD). Kết quả đạt được vượt xa mục tiêu đặt ra về tổng số vốn THĐT giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy; trong đó riêng năm 2021, kết quả THĐT của tỉnh đạt trên 90% mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy; số vốn đăng ký đầu tư trong nước gấp trên 4,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020, lớn nhất từ trước đến nay. Các dự án cơ bản đều tiến hành triển khai xây dựng ngay sau khi hoàn tất các thủ tục đầu tư; nhiều dự án đã sớm hoàn tất xây dựng, lắp đặt máy móc và vận hành đi vào sản xuất từng phần, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Kinh tế tỉnh có bước phát triển mới, tổng sản phẩm GRDP năm 2023 của tỉnh Nam Định tăng trưởng 10,19% so với năm trước, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay; quy mô kinh tế cán mốc 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 33/63 cả nước và thứ 9/11 tỉnh, thành phố vùng ĐBSH; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) của tỉnh ước tăng 9,35% so với cùng kỳ năm 2023. Với mức tăng trên, tăng trưởng GRDP tỉnh Nam Định xếp thứ 3/11 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH và 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định 9 tháng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 82.647 tỷ đồng, tăng 14,79% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,80%; khu vực công nghiệp và xây dựng 44,06%; khu vực dịch vụ 35,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,11%.
Lần đầu tiên Nam Định có tổ hợp dự án quy mô gần 99 nghìn tỷ đồng phát triển công nghiệp thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư vào tỉnh. Cũng lần đầu tiên có dự án không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm mà là các dự án với giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại như dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc., (Đài Loan - Trung Quốc). Kể cả trong ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là dệt may cũng có những dự án với công nghệ hiện đại nhất của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) với Công ty TNHH Top Textiles có công suất vận hành đạt mức thiết kế 120 triệu mét vải/năm vào năm 2025 sẽ gấp 8 lần công suất sản xuất vải của toàn tỉnh hiện nay (công suất của tỉnh hiện nay là gần 15 triệu mét vải/năm).
Hướng tới
trung tâm công nghiệp tương lai
Không chỉ gia tăng về số vốn, về quy mô dự án mà thành công đáng kể hơn trong THĐT của tỉnh là nguồn lực đầu tư đã có sự chuyển dịch lớn, hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, nâng tầm vị thế của Nam Định trong chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu.
Ngày 5/5/2023, nhà đầu tư Quanta Computer Inc., (Đài Loan - Trung Quốc) - nhà sản xuất linh kiện cho nhiều hãng máy tính lớn trên thế giới như Dell, Toshiba, HP, Lenovo, Fujitsu, LG, Maxdata... đã chính thức được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “Sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính” tại khu Công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận. Nam Định là nơi có nhà máy đầu tiên của Quanta Computer Inc. tại Việt Nam sau 8 nhà máy sản xuất máy tính trên thế giới đặt tại Trung Quốc, Mỹ, Mexico, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Quanta Computer Inc. Tập đoàn Quanta nằm trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và cũng là một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới; được công nhận trong Top 100 nhà đổi mới toàn cầu của Derwent vào năm 2019 và 2020. Các địa điểm sản xuất và dịch vụ của Quanta trải khắp châu Á, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Âu và Đông Nam Á. Đồng thời tích hợp các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á nên có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong sản xuất và bán hàng toàn cầu. Dự án Tập đoàn Quanta đầu tư tại Nam Định là một trong những dự án có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ cao mà Nam Định đã thu hút được. Quanta Computer Inc. còn mở rộng lĩnh vực hoạt động sang kinh doanh điện toán đám mây, giải pháp mạng doanh nghiệp, sản phẩm truyền thông di động, sản phẩm nhà thông minh, điện tử tự động, chăm sóc sức khỏe thông minh, loT và ứng dụng AI. Thành công của dự án sản xuất máy tính tại Nam Định sẽ mở ra cơ hội phát triển các lĩnh vực công nghệ trong chuỗi giá trị của Quanta Computer Inc., góp phần mang lại nguồn lực kinh tế lớn cho tỉnh. Dự kiến dự án của Quanta Computer Inc., sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới cho lao động địa phương; 2.000 lao động vào cuối năm 2024 và đến cuối năm 2025 sẽ sử dụng 9.000 lao động. Với khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, nhà máy của Quanta giúp Nam Định không còn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống mà mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao; định vị Nam Định trên bản đồ toàn cầu của các tập đoàn công nghệ quốc tế.
Sự hiện diện và khởi động đầu tư, đưa các dự án quy mô lớn thuộc các ngành, các lĩnh vực, trọng điểm vào vận hành sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường của các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu toàn cầu tại địa bàn tỉnh chứng tỏ tiềm năng dần trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng, không chỉ trong nước mà còn trong khu vực; đồng thời là minh chứng cho khả năng cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhanh chóng và minh bạch trong các thủ tục hành chính của Nam Định.
Toray (Nhật Bản) là một trong những Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới với mạng lưới nhà máy sản xuất, kinh doanh, văn phòng trải rộng tại hơn 20 quốc gia ở khắp các châu lục; có nhiều đối tác chiến lược lớn trong các ngành hàng không, ô tô, điện tử, dệt may, y tế. Vật liệu sợi carbon của Toray được ứng dụng rộng rãi trong ngành hàng không vũ trụ, ô tô năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất các thành phần siêu nhẹ và bền cho máy bay, ô tô nhằm giảm trọng lượng và khí thải. Tại Nam Định, Toray được cấp phép cho công ty con là Công ty TNHH Top Textiles đầu tư dự án nhà máy sản xuất vải tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) với tổng công suất thiết kế đạt 120 triệu mét vải vào năm 2025. Đây là một trong những nhà máy dệt kim lớn nhất miền Bắc Việt Nam, sử dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất bao gồm các khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Ngày 13/7/2024, Công ty TNHH Top Textiles đã khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vải Top Textiles công suất 60 triệu mét vải/năm tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vào hoạt động, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Việc Tập đoàn Toray đưa nhà máy tại KCN Dệt may Rạng Đông với thiết bị hiện đại, công nghệ cao vào hoạt động thúc đẩy lộ trình đưa Nam Định xứng đáng vị thế là trung tâm dệt may của miền Bắc, đóng góp chung cho sự phát triển ổn định của ngành dệt may Việt Nam.
Xuân Thiện là Tập đoàn đang không ngừng gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu về quy mô đầu tư và khả năng phát triển đa ngành cùng tầm nhìn chiến lược. Tại thị trường quốc tế, Tập đoàn Xuân Thiện đã đầu tư thành công 2 dự án thủy điện công suất gần 600MW tại Cameroon (châu Phi) - một thị trường đầy thách thức. Tại Việt Nam, Xuân Thiện cũng là một “ông lớn” trong lĩnh vực điện mặt trời, với các dự án quy mô lớn tại Ninh Thuận, Đắk Lắk, góp phần phát triển năng lượng tái tạo của đất nước và củng cố vị thế của Tập đoàn trên bản đồ năng lượng toàn cầu. Với tổng công suất hơn 3.070MW, sản lượng khoảng 5,5 tỷ kWh, Xuân Thiện đang trở thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường điện tái tạo khu vực. Không dừng lại ở lĩnh vực năng lượng, Xuân Thiện đã mở rộng hoạt động sang các ngành kinh tế chiến lược khác như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng, tạo nền tảng để phát triển thành một Tập đoàn đa ngành với sức ảnh hưởng lớn. Tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tổ hợp 3 dự án thép xanh trị giá 98.900 tỷ đồng. Tập đoàn Xuân Thiện cam kết sử dụng các công nghệ có xuất xứ từ các nước G7/châu Âu, thiết bị mới 100%, đảm bảo chất lượng khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thép xanh là hướng đi tiên phong trong ngành công nghiệp luyện kim hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Nhóm dự án thép xanh của Xuân Thiện mở màn mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn vào các lĩnh vực công nghiệp sạch, nâng cao uy tín của tỉnh trước các đối tác quốc tế. thực tiễn sau Tập đoàn Xuân Thiện, loạt các nhà đầu tư quốc tế đã tìm đến và lựa chọn đứng chân tại Nam Định.