Tác phẩm dung dị dành cho trẻ em

Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm của Cao Khải An do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2020 là một trong số 4 tác phẩm đoạt giải thưởng Dế mèn lần thứ nhất-giải thưởng văn học dành cho những tác phẩm viết về thiếu nhi hoặc do thiếu nhi viết nhằm cổ vũ, động viên các sáng tác viết về đề tài này.

Thiết nghĩ đây là hướng đi đúng đắn của những người có trách nhiệm đối với nền văn học nước nhà, nhằm bảo đảm cho con em chúng ta được thụ hưởng những giá trị văn hóa-tinh thần chất lượng, phù hợp với độ tuổi, góp phần hình thành và phát triển nhân cách của các em.

Trở lại với Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm, có thể nói đây là một ấn phẩm được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình thức, in đẹp, nhiều minh họa màu, sặc sỡ, bìa bắt mắt để thu hút độc giả nhí, những bạn đọc thường bị hấp dẫn bởi yếu tố thị giác. Truyện có dung lượng vừa phải (100 trang khổ 13x20cm), khá phù hợp với sức đọc của độ tuổi thiếu nhi. Từ trước đến giờ, những câu chuyện viết về thiếu nhi của các tác giả trưởng thành, dù đã nhìn qua lăng kính trẻ thơ, dù khéo đến đâu nhưng vẫn lưu lại những “dấu vết” kỹ thuật trên các phương diện như cấu trúc tác phẩm, ngôn ngữ, tư tưởng... Đây là điều hiển nhiên, không thể tránh khỏi.

Cây bút trẻ Cao Khải An (đứng giữa) nhận giải thưởng văn học Dế mèn. Ảnh: PHẠM TUẤN.

Cây bút trẻ Cao Khải An (đứng giữa) nhận giải thưởng văn học Dế mèn. Ảnh: PHẠM TUẤN.

Đọc Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm, chúng ta không thấy những dấu vết kỹ thuật ấy bởi tác giả của cuốn sách, Cao Khải An, mới 11 tuổi. Do được viết bởi một tác giả nhí, nên những câu chuyện trong Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm đều xuất phát từ góc nhìn, cách cảm, cách nghĩ của con trẻ: Ngây thơ, hồn nhiên và rất tự nhiên. Cao Khải An đã kể câu chuyện về cậu bé Bắp 8 tuổi và các bạn của mình một cách dí dỏm, có duyên. Từ câu chuyện mở đầu, Bắp rủ các bạn kiến và dế đi “ăn cắp” trống của ông ngoại để giúp làng xóm có giấc ngủ trưa an lành, rồi đến chuyện bị con rết cắn khiến Bắp nghĩ mình bị ung thư nên viết di chúc “phân chia tài sản” cho gia đình; chuyện ăn cá hóc xương mà khóc lóc inh ỏi trong bệnh viện, chuyện Bắp cùng các bạn rủ nhau vào nghĩa trang thi xem ai can đảm nhất... cho đến câu chuyện cuối về sự ra đi của bà ngoại, tất cả đều toát lên cái thế giới quan, nhân sinh quan vừa ngây thơ, trong trẻo vừa ngộ nghĩnh, đáng yêu của Bắp và các bạn.

Trong thế giới trẻ thơ Cao Khải An tạo ra cho mình và các bạn cùng trang lứa ấy, bạn đọc sẽ rất khó tìm thấy, mà nếu tìm thì sẽ rất gượng ép và khiên cưỡng, những “bài học”, những “ý nghĩa”, “tư tưởng”, “kinh nghiệm” người lớn chúng ta thường và luôn muốn con em mình “rút ra”, “tiếp thu”, “lĩnh hội” khi đọc những tác phẩm văn học hay bất kỳ một cuốn sách nào để “khôn” hơn, “trưởng thành” hơn. Những câu chuyện của Bắp và các bạn đơn thuần chỉ là những câu chuyện của trẻ thơ, cho trẻ thơ, vì trẻ thơ. Các độc giả nhí, nhất là những độc giả nhí Nam Bộ, khi đọc truyện hẳn sẽ bật lên những tiếng cười khúc khích, thoải mái. Song ý nghĩa giáo dục, triết lý nhân văn của Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm không nằm ở trong câu chữ mà ở ngoài văn bản. Hãy cứ để con trẻ được là con trẻ, sống trọn vẹn với tuổi thơ, đọc và cười một cách sảng khoái những cuốn sách viết về thế giới của mình. Thế hệ tương lai của chúng ta sẽ phát triển và trưởng thành từ những điều đơn giản ấy.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tac-pham-dung-di-danh-cho-tre-em-653544