Tác phẩm sống mãi, tác giả bị lãng quên
Thuở mới đến với âm nhạc, Doãn Mẫn sớm nổi tiếng với 'Biệt ly'. Có lẽ đây là bài hát nổi tiếng sớm nhất trong dòng tân nhạc lúc bấy giờ. Cách nay đã quá lâu. Sau đó, ông không giành được hết thời gian cho sáng tác. Nhiều cuộc gặp mặt tại Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông ít xuất hiện do sức khỏe yếu đã khiến tôi nhãng quên ông.
Năm 2006, NXB Thanh niên đặt hàng tôi thực hiện cuốn sách giới thiệu 100 nhạc sỹ tiêu biểu nhất của thế kỷ 20. Tôi chỉ đề cập đến các nhạc sỹ sáng tác ca khúc giành cho người lớn. Như vậy, những nhạc sỹ thuần túy làm công tác lý luận, đào tạo, biểu diễn hoặc chỉ sáng tác khí nhạc, ca khúc cho thiếu nhi không có mặt trong cuốn sách này tuy nhiều người cũng rất nổi tiếng.
Cuốn sách phát hành được rất nhanh chỉ sau khi xuất bản một thời gian ngắn. Và tôi được giải thưởng loại A của UBTWLH các Hội VHNT cuối năm đó về công trình nghiên cứu, lý luận.
Nhưng liền sau đó, cho tới bây giờ và đến lúc nhắm mắt, xuôi tay, tôi vẫn vô cùng hối hận về một sơ sót không thể chấp nhận của mình: Tôi đã lãng quên một nhạc sỹ kỳ cựu thuộc hàng cây đa, cây đề là tác giả bài hát "Biệt ly" rất nổi tiếng, ngày trước không ai không biết. Đó là cố nhạc sỹ Doãn Mẫn (1919 - 2007), có trên 20 năm giảng dạy và làm Trưởng phòng Giáo vụ tại Trường Âm nhạc Việt Nam - tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay.
Lý do của sai lầm "chết người" này có lẽ là vì sau hòa bình lập lại (1954) vị nhạc sỹ này hầu như không sáng tác mà chỉ bận bịu với phận sự viên chức của mình. Về hưu, ông không được khỏe, cũng có phổ thơ nhưng không để lại đấu ấn gì đặc biệt.
Khi chưa qua đời, chính ông cũng tự thấy: "Mình sáng tác chỉ cốt cho đầu óc hoạt động, minh mẫn, kéo dài quá trình lão hóa, chứ không thể nào vượt ra được cái bóng của chính mình thời viết "Biệt ly" đã lùi xa vào dĩ vãng quá lâu".
Ông cho biết: "Mình làm Trưởng phòng Giáo vụ ở trường Âm nhạc Việt Nam 20 năm, kiêm luôn cả công việc của Trưởng phòng Hành chính, quản trị, lo cả việc phải làm sao khi nữ sinh nội trú tại trường sinh nở, rồi tình trạng thiếu nhà vệ sinh... và trăm thứ linh tinh khác". Quả là như vậy thì làm sao có thể sáng tác nhạc - một loại hình nghệ thuật luôn cần sự lãng mạn, bay bổng của tâm hồn!
Doãn Mẫn sinh năm 1919 tại Hà Nội, cùng thời hoặc trước sau ít năm với những nhạc sỹ tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, Văn Chung, Lê Thương, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Ông có người cha làm Trưởng ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) nhưng có máu nghệ sỹ, chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là thích chèo và hát ả đào. Đi xem diễn chèo ở đâu, người cha cũng đưa Doãn Mẫn theo.
Cậu bé Mẫn lại được cha dạy đánh nhiều đàn nên từ nhỏ đã chơi được thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc. Lớn lên, từ lúc 17 tuổi, giống như nhiều nhạc sỹ khác, Doãn Mẫn chơi được đàn phương Tây và ngồi trong tốp nhạc phục vụ trong các tiệm nhảy, nhà hàng.
Những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, ông cùng với Lê Yên và Văn Chung thành lập nhóm Triceá chuyên in các bài hát của các nhạc sỹ để quảng bá trong công chúng. Lượng phát hành lớn, vừa in xong đã bán hết veo. Nhiều nhạc sỹ rất biết ơn các ông vì sáng tác của mình được xuất bản mà có thu nhập. Nhóm 3 ông còn có công tuyên truyền, cổ súy cho việc trở về cội nguồn dân tộc, không đồng tình với việc rập khuôn âm nhạc Tây phương, nhất là Pháp trong sáng tác.
Ngay từ lúc còn rất trẻ, Doãn Mẫn đã viết một số bài hát lãng mạn được công chúng đón nhận: "Gió thu" (1937), "Tiếng hát đêm thu" (1938), "Một buổi chiều thu" (1939) và đặc biệt, xuất sắc hơn cả là "Biệt ly". Bài hát được ông viết năm 1939, lúc tròn 20 tuổi. Một năm sau - 1940, lần đầu tiên được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội do một giọng nữ thể hiện.
Tác giả cho biết cô gái này không phải là ca sỹ chuyên nghiệp, có tên là Phụng, nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Nhưng cô hát rất hay, khiến cả nhà hát im phăng phắc. Hát xong, cô nhận được tràng pháo tay rất vang và kéo dài. Cho đến hôm nay, những công chúng ở lớp tuổi trên 80 vẫn còn thuộc lòng bài hát có giai điệu tha thiết, êm dịu, đượm buồn này: "Biệt ly nhớ thương từ đây. Chiếc lá rơi theo heo may. Người về có hay?".
Từ trước tới nay, những ca sỹ theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp hầu như ai cũng muốn thử sức mình để tìm đến ca khúc này. Không khó hát, âm vực không rộng, giai điệu bằng phẳng, bình ổn nhưng hát đúng với sắc thái tình cảm của tác giả thì không dễ bởi nhiều người có khuynh hướng lâm ly, sướt mướt hóa khi thể hiện bài này.
Một lần tôi hỏi Doãn Mẫn là từng có hàng trăm ca sỹ hát "Biệt ly", tác giả vừa ý ai nhất? Ông tế nhị trả lời: "-Ai hát cũng hay. Nhưng có lẽ đồng cảm với tôi nhất là Lan Ngọc ở trong Nam và Thùy Dung ở ngoài Bắc".
Lại hỏi: "-Bài hát để đời như vậy, hẳn là phải ra đời từ một kỷ niệm ái tình đặc biệt nào đó của tác giả?". Doãn Mẫn cho biết: "-Không. Ai cũng nghĩ là tôi viết từ một chuyện riêng tư của mình. Có lẽ họ thấy bài hát nhớ nhung bịn rịn, lời lẽ tràn ngập yêu thương mà suy như vậy. Tất nhiên, lớn lên, yêu và chơi âm nhạc, tôi cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa đều có những tình cảm riêng tư và thần tượng riêng của mình. Nhưng riêng tôi lại không đẩy tới việc cho ra đời bài hát mà "Biệt ly" lại được sáng tác từ một nguyên cớ khác.
Nhạc sỹ kể rằng năm đó là 1939, ông 19 tuổi. Vì có người cha làm ở ga Hàng Cỏ mà ông hay ra chơi với những người đồng nghiệp của cha (họ rất yêu thích cậu trai khôi ngô, chơi đàn rất giỏi, đã sáng tác được nhiều bài hát hay). Tại đây, chàng nhạc sỹ trẻ chứng kiến những cuộc chi ly đẫm nước mắt của những chàng trai, cô gái. Số là khi ấy, thực dân Pháp tuyển nhiều thanh niên Việt Nam sang các nước thuộc địa của họ ở châu Phi làm lính đánh thuê. Họ ra đi mà không rõ ngày trở về. Rồi Doãn Mẫn lại cũng chứng kiến cảnh tượng như vậy tại cảng Hải Phòng mỗi lần về chơi nơi đây. Thế là ông viết "Biệt ly".
Tôi lại tò mò hỏi kỷ niệm tâm hồn của ông những ngày đầu tiên bắt đầu say đắm với âm nhạc. Ông kể rằng cái tạng của ông có phần nhút nhát, không phong tình, bạo dạn, "liều mình" như nhiều nhạc sỹ trẻ khác. Một lần đi học trường Sư phạm, ông nhìn thấy và rất rung động một cô nữ sinh trường Đồng Khánh nhan sắc tuy không nổi trội hơn các bạn nữ khác nhưng rất thùy mị, dịu hiền, có vẻ đẹp thuần phác. Thế là ngày đêm chàng nhạc sỹ tơ tưởng và ước muốn được kết tóc se tơ cùng nàng.
Ngày nào, trên đường đến trường Sư phạm, chàng cũng vòng qua trường nàng học để được ngắm nhìn nàng. Linh cảm con gái mách bảo có người để ý đến mình, nàng cũng nhìn lại chàng thật tình tứ. Chàng mạnh dạn cất lời làm quen nhưng nàng ngượng quá, đỏ chín mặt, chạy té vào lớp học. Thế là tình yêu của họ tuy thầm lặng nhưng phát triển nhanh. Chàng nói bố mẹ đến gặp gia đình nàng, ngỏ lời. Nàng chấp nhận trong niềm hạnh phúc tràn ngập. Họ nên vợ, chồng.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Doãn Mẫn lên chiến khu Việt Bắc, người vợ ở lại Phú Thọ (nơi tản cư) nuôi con. Qua 9 năm, họ chỉ gặp nhau được vài lần. Người vợ phải đi bộ mấy ngày ròng mới đến được Tuyên Quang là nơi chồng công tác. Hòa bình lập lại (1954), họ mới được đoàn tụ. Doãn Mẫn trở thành diễn viên Đoàn ca múa Trung ương, rồi về làm việc tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông cùng người vợ sống một đời êm đềm, hạnh phúc.
Có lần ông nói với tôi: "Nhiều nhạc sỹ viết tình ca thường có xuất xứ từ những kỷ niệm riêng tư, những mối tình lãng mạn. Mình có bài "Biệt ly" ai cũng nghĩ là ghi lại một sự chia tay với một ai đó từng gắn bó sâu sắc lắm. Nhưng như mình đã nói là không phải như vậy. Vì thế mà có người xui mình hãy bịa ra một kỷ niệm thật lâm ly cho bài hát thêm thú vị hơn. Mình kông phái nhà văn nên không có khả năng bịa". Rồi ông nói vui với tôi: "-Hay là cậu bịa giúp mình nhé".
Ông cho biết: "-Mình không sáng tác được bài nào trực tiếp nói về vợ. Nhưng nhờ cô ấy mà mình có cuộc sống hạnh phúc để sáng tác được những bài khác và yên tâm làm mọi việc". Đúng vậy, nói đến Doãn Mẫn, người ta không chỉ nói đến ca khúc bất hủ "Biệt ly" mà còn nói đến một nhà giáo, một người viết nhiều tài liệu để giảng dạy âm nhạc và nghiên cứu nhiều công trình về âm nhạc cổ truyền.
Thuở mới đến với âm nhạc, Doãn Mẫn sớm nổi tiếng với "Biệt ly". Có lẽ đây là bài hát nổi tiếng sớm nhất trong dòng tân nhạc lúc bấy giờ. Cách nay đã quá lâu. Sau đó, ông không giành được hết thời gian cho sáng tác. Nhiều cuộc gặp mặt tại Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông ít xuất hiện do sức khỏe yếu đã khiến tôi nhãng quên ông.
Cũng bởi vì "Biệt ly" tuy quá hay, xuất xắc nhưng ít được vang lên do không phải cuộc sinh hoạt nào của công chúng cũng phù hợp. Dẫu sao thì ca khúc này cũng kén người nghe, người hát và đặc biệt là kén cái không khí xuất hiện. Nhưng không vì sự sơ sót của tôi mà Doãn Mẫn không sống mãi trong lòng công chúng mộ điệu mọi thời đại.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tac-pham-song-mai-tac-gia-bi-lang-quen-617837/