Tác phẩm tham dự Giải Diên Hồng lần thứ ba - năm 2025: Hội đồng nhân dân sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động (kỳ 2)

Kỳ I: Nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng hoạt động

(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ II: Xứng đáng với kỳ vọng của cử tri

Trong hơn 3 năm qua, với trách nhiệm, tâm huyết, các đại biểu HĐND ba cấp tỉnh Nam Định đã luôn gắn bó mật thiết với cử tri, trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri cũng như những vấn đề thực tiễn phát sinh trong đời sống. Từ đó, phản ánh và đề xuất nhiều giải pháp sát thực, căn cơ trong từng nội dung để HĐND các cấp xem xét, quyết định; kịp thời thông qua các quyết sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương.

HĐND tỉnh Nam Định và HĐND tỉnh Hậu Giang ký kết chương trình phối hợp công tác.

HĐND tỉnh Nam Định và HĐND tỉnh Hậu Giang ký kết chương trình phối hợp công tác.

Phản ánh tới kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX, cử tri thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc kiến nghị với tỉnh, ngành y tế và các cơ quan liên quan sớm giải quyết tình trạng thiếu thuốc và thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong việc khám, chữa bệnh cho những người có bảo hiểm y tế. Để giải quyết kịp thời tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương năm 2024-2025. Kết quả, ngày 21/5/2024, Sở Y tế ban hành Quyết định số 671/QĐ-SYT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Gói thầu số 01: Thuốc Generic”, thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương sử dụng cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2024-2025. Với kết quả trên, các đơn vị đã và đang tiến hành mua thuốc của các nhà thầu trúng thầu đáp ứng nhu cầu cơ bản thuốc cho nhu cầu điều trị. Còn một số thuốc còn thiếu do không lựa chọn được nhà thầu, cơ sở điều trị tiếp tục tự tổ chức mua sắm bổ sung theo quy định. Đối với thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, các đơn vị căn cứ nhu cầu về mua sắm, chủ động xây dựng kế hoạch của năm 2024 và tự tổ chức đấu thầu theo quy định. Hiện nay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm trong khám, chữa bệnh cơ bản đã được giải quyết. Bà Nguyễn Thị Yên, tổ dân phố số 1, phường Trường Thi, thành phố Nam Định cho biết: "Tôi bị bệnh tiểu đường, huyết áp phải dùng thuốc định kỳ hàng tháng. Trước tình trạng thiếu thuốc diễn ra khá phổ biến, tôi rất lo. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, hàng tháng tôi đến Bệnh viên Đa khoa Ngọc Bích khám và lấy thuốc điều trị theo diện khám thẻ bảo hiểm y tế. Tôi rất vui mừng khi các loại thuốc bác sĩ kê đều được cấp đầy đủ...".

Cùng với kiến nghị trên, 33 kiến nghị khác tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 HĐND tỉnh liên quan đến các lĩnh vực: Nội vụ, ô nhiễm môi trường, công nghiệp, xây dựng, giao thông, nông nghiệp, thủy lợi đều được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng xem xét giải quyết thấu đáo, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp có nhiều đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng lên, tăng cường tính minh bạch, công khai, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Cơ bản các kiến nghị cử tri được các cấp, các ngành tiếp thu, giải quyết, trả lời đúng hạn, thấu đáo. Thường trực HĐND các cấp đã giám sát chặt chẽ kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND các cấp đã phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức 3.839 cuộc tiếp xúc giữa cử tri với các đại biểu HĐND, tiếp nhận gần 12 nghìn kiến nghị của cử tri. Những kiến nghị này được báo cáo đầy đủ với HĐND tại các kỳ họp thường lệ và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cùng với hoạt động tiếp xúc cử tri, HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng giám sát, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Đinh Đức Tuyến, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ý Yên cho biết: Xác định hoạt động giám sát là một trong những chức năng quan trọng, HĐND huyện đã sớm chủ động triển khai Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo sự chuyển biến rõ nét và chuẩn hóa hoạt động giám sát. Ngoài việc thẩm tra báo cáo của UBND và các ngành để phục vụ kỳ họp; giám sát thông qua hoạt động thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp, nét mới trong hoạt động giám sát thường xuyên của HĐND huyện là đã nâng cao chất lượng giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND huyện; thực hiện quyền, trách nhiệm của HĐND huyện đối với lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan nhằm làm rõ những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri quan tâm. Ngoài ra, HĐND huyện còn thực hiện giám sát nghị quyết của HĐND các xã, thị trấn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. Qua giám sát đã khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế giúp các nghị quyết của HĐND các xã, thị trấn được ban hành đúng thẩm quyền, thủ tục, trình tự, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Đồng chí Phạm Quang Ái, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Giao Thủy cho biết: Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND huyện thời gian qua được thực hiện chủ động, tích cực, ngày càng đổi mới. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực mang tính thời sự, có trọng tâm, trọng điểm, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của phần đông cử tri, nhân dân. Phương thức tiến hành giám sát có nhiều cải tiến, kết hợp nghe báo cáo với khảo sát thực tế tại địa phương, đơn vị; tìm hiểu khai thác thông tin phục vụ yêu cầu giám sát qua nhiều kênh khác nhau, từ đó thu thập nhiều thông tin có tính thời sự, phục vụ hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề đã giúp HĐND huyện đưa ra những quyết định quan trọng về chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện; giúp các phòng chức năng, các xã, thị trấn có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo điều hành, góp phần đắc lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Sau hơn 3 năm hoạt động, HĐND các cấp trong tỉnh đã giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo theo quy định; tổ chức hơn 1.819 phiên chất vấn và xem xét chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND, các cơ quan thuộc HĐND đã tổ chức giám sát 1.584 chuyên đề; Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã giám sát gần 6.000 nghị quyết của HĐND và gần 60 nghìn quyết định của UBND, giám sát việc giải quyết đối với gần 12 nghìn kiến nghị của cử tri. Thông qua giám sát đã đánh giá đúng thực trạng, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, đề ra kiến nghị cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết, khắc phục. Qua đó không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, nâng cao uy tín, vị thế của các cơ quan dân cử.

Dấu ấn đậm nét khác trong hoạt động của HĐND các cấp là đã làm tốt chức năng quyết định các chủ trương, biện pháp quan trọng và ban hành nhiều chính sách làm cơ sở để UBND các cấp triển khai thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã ban hành trên 10 nghìn nghị quyết các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách, đầu tư, văn hóa, xã hội,... trong đó HĐND tỉnh ban hành 447 nghị quyết. Các nghị quyết của HĐND tỉnh kịp thời cụ thể hóa từng nhiệm vụ nòng cốt và các khâu đột phá, chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đề ra, đảm bảo sự đồng bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương. Nổi bật là: Nghị quyết về định mức, nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh Nam Định, trong đó quy định tổng số vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 gần 50 nghìn tỷ đồng - mức đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông quan trọng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh do Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định; Dự án cầu Bến Mới thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1) nối Nam Định và Ninh Bình; Giai đoạn 2, đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong đó có xây dựng cầu Đống Cao nối huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng; Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; Dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định; Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; Bố trí nguồn vốn giải phóng mặt bằng phục vụ chủ trương xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Việc xây dựng và mở rộng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Bảo Minh, Cụm công nghiệp Yên Bằng, Cụm công nghiệp Thanh Côi được đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, HĐND tỉnh đã quyết định chủ trương xây dựng nhiều khu đô thị, khu dân cư tập trung để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển các công trình, dự án của tỉnh. Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành các nghị quyết để tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế chính sách, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh như: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết tạm giao biên chế năm 2023; Nghị quyết thông qua giá cụ thể dịch vụ công ích thủy lợi năm 2022...

(Còn nữa), Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202408/tac-pham-tham-du-giai-dien-hong-lan-thu-ba-nam-2025-hoi-dong-nhan-dan-sang-tao-doi-moi-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-ky-2-57f31dd/