Phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong trường học
Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm tiếp tục có dấu hiệu lây lan phức tạp, đặc biệt là dịch sởi và các bệnh dịch lây qua đường hô hấp, tiêu hóa. Một số dịch bệnh dù có vaccine phòng ngừa nhưng cũng dễ bùng phát nếu nhà trường, phụ huynh không cảnh giác.
Đảm bảo vệ sinh trường, lớp
Các trường mầm non đang rất tích cực trong công tác vệ sinh, phòng chống các bệnh truyền nhiễm nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu bước vào năm học mới. Ngoài thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh, nhiều trường phát quang cây cỏ, làm vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Cô Phan Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM), cho biết, tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu đều được tập huấn nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Sau mỗi buổi học, các phòng học sẽ được phun xịt thuốc trừ muỗi, đồ chơi được chà rửa xà phòng kỹ nhằm phòng tránh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng cho các cháu.
Tương tự, ở bậc tiểu học, THCS và THPT, hầu hết các trường đều tích cực vệ sinh khử khuẩn trường lớp, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan. Cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM), cho hay, nhà trường đã cho phun khử khuẩn toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng học tập; trang bị dung dịch sát khuẩn, xà phòng cho các lớp, khu vệ sinh…; thầy, cô giáo đã được nhân viên y tế của quận xuống tập huấn các kỹ năng phòng chống bệnh sởi và một số bệnh truyền nhiễm khác. Mặt khác, nhà trường đã rà soát lịch sử tiêm chủng của học sinh, đẩy mạnh tư vấn để phụ huynh đồng thuận đưa các em chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi đi tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế.
Còn theo cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TPHCM), trường đang phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đảm bảo 137 học sinh chưa rõ tiền sử tiêm vaccine sởi - rubella sẽ được tiêm đủ mũi trong tuần thứ 2 của năm học mới.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng (quận 7, TPHCM), cô Nguyễn Thị Bích Nhiên, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin, trường có 1.287 học sinh và hết tuần đầu tiên của năm học mới, chưa phát hiện trường hợp nào nghi mắc sởi. Hàng ngày, sau giờ học, nhà trường đều tổ chức khử khuẩn, lau sàn lớp, bàn ghế, nắm đấm cửa, khu vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, đồng thời hàng ngày có tổ giám sát nhắc nhở thầy cô, học sinh phòng chống dịch.
Rà soát, tăng cường tiêm chủng
Theo Sở Y tế TPHCM, từ ngày 23-5 đến ngày 4-9, thành phố ghi nhận có tới 541 ca mắc sởi, trong đó 3 ca tử vong (2 ca có địa chỉ ở TPHCM và 1 ca ở tỉnh khác chuyển đến). Qua thống kê, 74% trẻ bị sởi đều chưa được tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh này, dù đã đủ tuổi. Sau khi TPHCM công bố dịch sởi, đến hết tháng 8, các địa phương báo cáo đã lập danh sách được 271.036/437.412 trẻ từ 1-5 tuổi (khoảng 62% số trẻ của thành phố có thông tin trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia). Tuy nhiên, trong 271.036 trẻ, có trên 54.800 trẻ chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi. Trong tuần đầu khởi động cao điểm chiến dịch tiêm vaccine sởi của thành phố (từ ngày 31-8 đến ngày 4-9), chỉ có khoảng 20.000 trẻ được tiêm chủng. “Tỷ lệ này rất thấp, đòi hỏi các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch sởi lây lan nhanh, các địa phương đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho trẻ. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính cho biết, quận đã giao UBND 11 phường chỉ đạo lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch; thành lập 23 đội tiêm chủng; yêu cầu Phòng GD-ĐT phối hợp ngành y tế rà soát, thống kê được 21.725 trẻ đang học mầm non đã tiêm đủ 2 mũi, 2.382 trẻ đã tiêm 1 mũi và 636 trẻ chưa được tiêm chủng. Trong tuần đầu khởi động tiêm vaccine, quận 12 có 1.587 trẻ được tiêm (578 trẻ đang học tại các trường). Đối với số trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi còn lại, UBND quận 12 yêu cầu Trung tâm Y tế quận phối hợp Phòng GD-ĐT tổ chức tiêm tại trường, bắt đầu từ ngày 9-9 đến ngày 15-9.
Qua rà soát số trẻ từ 1-5 tuổi, quận Bình Tân có 5.095 trẻ thiếu mũi vaccine sởi - rubella (mũi 1 là 460 trẻ, mũi 2 là 4.635 trẻ). Riêng tại 336 trường, nhóm lớp mầm non công lập và tư thục, có 1.270 trẻ chưa tiêm đủ mũi sởi. “Từ ngày 31-8 đến hết ngày 8-9, quận đã tiêm chủng được 2.635/5.095 trẻ, đạt 51,7%. UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp ngành giáo dục quyết tâm đến ngày 15-9 phải tiêm đầy đủ cho 48,3% số trẻ còn lại”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung khẳng định.
BS-CKII Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), khuyến cáo, khi phát hiện học sinh có triệu chứng nghi mắc sởi, các trường cho học sinh mang khẩu trang, dừng các hoạt động tiếp xúc với người khác. Nhân viên phụ trách y tế trường học hoặc giáo viên tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải nghỉ học và cách ly y tế 7 ngày kể từ ngày phát ban. Nhà trường cần thông báo ngay cho trạm y tế phường, xã, thị trấn để phối hợp xử lý. Những trường có trẻ mắc sởi phải được ưu tiên tiêm vaccine trước để tránh lây lan cho gia đình, nhà trường và cộng đồng
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phong-ngua-dich-benh-lay-lan-trong-truong-hoc-post758101.html