Tác phẩm tham dự Giải Diên hồng lần thứ III - năm 2025: Phát huy hiệu quả thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo - Góp phần củng cố khối đại đoàn kết vì quê hương thịnh vượng (kỳ I)
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TN, TG) được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được coi là bước ngoặt lớn trong việc thể chế hóa chủ trương, chính sách về TN, TG của Đảng và Nhà nước ta.
Là địa phương có đông đồng bào các tôn giáo, thực tiễn sinh động và bài học kinh nghiệm trong triển khai hiệu lực, hiệu quả Luật TN, TG, tạo nền tảng để Nam Định tiếp tục cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo “đúng, trúng” những quan điểm, chủ trương tiến bộ như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước” vào cuộc sống; Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Kỳ I: Khi chức sắc tôn giáo là đại biểu dân cử: Hòa hợp tôn giáo với chính quyền Hòa hợp tôn giáo với chính quyền
Trong lịch sử các nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp, các tổ chức tôn giáo, trong đó, nhiều chức sắc tôn giáo tỉnh Nam Định đã trở thành những đại biểu ưu tú không chỉ của tín đồ tôn giáo mà còn của nhân dân địa phương trong hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Họ đã góp công, góp sức vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định phương châm “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc”
Tháng 6/2018, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Hòa thượng Thích Thế Long, quê xã Hải Anh (Hải Hậu). Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV trân trọng, ghi nhận: Hòa thượng Thích Thế Long đã có đóng góp to lớn trong vận động, xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội hai khóa (khóa VI và khóa VII). Trong khóa VII, Hòa thượng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Sự đóng góp của Hòa thượng Thích Thế Long đã để lại trong lòng chúng ta sự ngưỡng mộ và thể hiện sự trân trọng ghi ơn, nhớ ơn những người đã có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho những hoạt động của Quốc hội và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành (Xuân Trường), nguyên nhà sư - pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ, là một trong 27 tăng, ni đầu tiên của Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) khởi nguyện xung kích vào đội quân “Nghĩa sĩ phật tử” ngày 27/2/1947.
Đại tá Đinh Thế Hinh kể: “Cuối năm 1946, giặc Pháp tiến hành chiếm đóng thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nam Định. Thế nước lâm nguy, Hồ Chủ tịch đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” hiệu triệu toàn dân tộc, đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước. Hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là trụ trì Chùa Cổ Lễ cho gọi tôi (Thích Pháp Lữ) và Đại đức Thích Trí Không lên thư phòng, hỏi: “Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên - Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?”.
Do đã nhiều lần tháp tùng Hòa thượng đi thuyết pháp cho phật tử, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng… nên tôi và Đại đức Thích Trí Không biết Hòa thượng Thích Thế Long luôn đề cao chân lý “việc đạo không rời việc đời” để hòa mình vào phong trào quần chúng kháng Nhật, đuổi Tây, giành lại chính quyền. Tôi và Đại đức Thích Trí Không mạnh dạn đáp lời:
- Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng không thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới phật tử rất nhiều tăng, ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ “giải pháp y”, thành lập “đội nghĩa sĩ phật tử”, cho phép các tăng, ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc.
Nghe xong, Hòa thượng Thích Thế Long cảm kích cầm tay chúng tôi, huấn rằng: “Một ý tưởng sâu xa, đáng làm lắm. Ta giao cho Trí Không lo việc đối ngoại quan hệ với các cơ quan tổ chức lễ ra quân, Pháp Lữ lo việc đối nội vận động tăng, ni tới chấp tác, sửa soạn trai nghi thiết khách…”.
Đúng 8h30 ngày 27/2/1947, đoàn nhà sư gồm 27 vị đến từ các chùa trong khu vực tiến ra xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam bảo nơi lập lễ đài. Hòa thượng Thích Thế Long đọc diễn văn nhấn mạnh: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le quấy phá cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các phật tử tham gia đánh giặc cứu nước là đạo lý thiền tông…”.
Hòa thượng dứt lời trong tiếng hô vang. Thay mặt chư tăng sắp nhập thế phát nguyện, tôi đứng ra đọc lời phát nguyện: “Chúng con xin dốc lòng phát nguyện/Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”. Khi nghe bài phát nguyện này, trong lúc nhập ngũ, Ni cô Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Việc quân đâu có quản gian lao/Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”.
Đại biểu của Trung đoàn 34 đến nhận quân, chuyển súng, kiếm, mã tấu đến từng tay các vị, chấn chỉnh đội hình, hạ lệnh xuất phát. 27 nhà sư đã trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ thành phố Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị “Nghĩa sĩ phật tử” chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc và 12 vị đã anh dũng hy sinh. Đó là tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các liệt sĩ mang pháp danh: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm, Quang Đại, Huyền Cơ, Trí Trung…
Hòa thượng Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, đại biểu HĐND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2021-2026 khẳng định: Hòa thượng Thích Thế Long đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, làm rạng danh các vị Nghiệp tổ của Phật giáo Việt Nam.
Năm 1915, Hòa thượng Thích Thế Long xuất gia đầu sư và đắc pháp tại Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh). Năm 1945, Hòa thượng tham gia hoạt động cách mạng và được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định. Sau đó, Hòa thượng Thích Thế Long đảm nhiệm nhiều cương vị: Phó Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Nam Định; Ủy viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam Ninh; Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tháng 7/1981, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
“Tâm sáng, hướng thiện”, “Tốt đời, đẹp đạo”
Trong hai năm 2020 và 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ xuất quân 2 đoàn chư tăng (gồm 20 chư tăng là các Thượng tọa, Đại đức) tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng tọa Thích Thanh Hùng, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Trực Ninh, Trưởng đoàn chư tăng tình nguyện vào Nam chống dịch chia sẻ: “Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là nhà tu hành, đồng thời với trách nhiệm là đại biểu HĐND huyện Trực Ninh (nhiệm kỳ 2021-2026) tôi xung kích “Cởi áo cà sa, khoác áo blouse” lên đường chống COVID-19. Hơn một tháng, tham gia chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Long An, các chư tăng không nề hà bất kỳ công việc nào được giao: từ thu gom rác thải y tế, đưa cơm cho các bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, động viên bệnh nhân... cùng lực lượng tuyến đầu nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Thượng tọa Thích Thanh Hùng nêu: Để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử và thực sự có trách nhiệm với dân, tôi không ngừng nghiên cứu, học hỏi, cập nhật kiến thức mới, chủ động tiếp cận và nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Tích cực tham gia các hoạt động giám sát; kịp thời phát hiện, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm. Là cầu nối trong công tác tham gia quản lý Nhà nước về tôn giáo; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, lợi dụng dân chủ, tôn giáo, dân tộc, phá hoại đường lối, chính sách của Đảng, nhất là chính sách đoàn kết các tôn giáo.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Hùng, là thành viên trong khối Đại đoàn kết toàn dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Trực Ninh, cùng tăng, ni, phật tử luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình phong trào “Ba an toàn” về an ninh trật tự, thông qua việc phát động và thực hiện những mô hình cụ thể như: “Chùa tinh tiến”, “Tâm sáng, hướng thiện” đồng thời lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương. 15 năm qua, Phật giáo huyện Trực Ninh đã kêu gọi đóng góp 10 tỷ đồng vào các hoạt động thiện nguyện; hiến trên 2.000m2 đất, gần 10 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi tại các địa phương; quyên góp gần 2 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa hơn 200 nhà tình nghĩa.
“Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Nam Định, nhiệm kỳ 2021-2026, bản thân tôi đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là: Công tác tuyên truyền vận động người Công giáo thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; các thư mục vụ của đức Cha giám mục Giáo phận Bùi Chu”, Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBĐKCG tỉnh Nam Định chia sẻ.
Thời gian qua, UBĐKCG tỉnh đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo trong tỉnh, vận động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động, tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội. Phát huy những thành tích đã đạt được của phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”. Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được lan tỏa sâu rộng đến 100% các xứ, họ và được người Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện. Chỉ tính giai đoạn 2010-2020, đồng bào Công giáo toàn tỉnh đã hiến trên 20 nghìn m2 đất, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm.
Trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, người Công giáo tỉnh luôn đồng hành với xã hội, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các dự thảo luật của Nhà nước, quy ước, quy định của địa phương. Để xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri với đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, bà con giáo dân đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến về chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác an sinh xã hội; tích cực tham gia đi bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
“Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều vị linh mục chánh xứ đã bố trí khung giờ lễ phù hợp để bà con giáo dân đi bầu cử đông đủ; có 438 người Công giáo trúng cử đại biểu HĐND các cấp. Hàng năm, 100% thanh niên Công giáo đến tuổi đều đăng ký nghĩa vụ quân sự; 18 tuổi đi khám tuyển sức khỏe, đủ tiêu chuẩn đều lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”, Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn bày tỏ.
(Còn nữa), Bài và ảnh: Việt Thắng
------------------
Kỳ II: “Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm” trong sắp xếp đơn vị hành chính