Tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 dự án luật là phù hợp với thực tiễn
Tại hội thảo 'Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ' do Bộ Công an tổ chức vào sáng 10-2, các đại biểu đã khẳng định tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 dự án luật là phù hợp với thực tiễn.
Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an, kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an nêu rõ, trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là đối với các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là những nội dung trọng tâm.
Đề dẫn tại hội thảo, Trung tướng TS Đỗ Lê Chi đã gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận như tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết và xác định rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tổng kết, đánh giá những khó khăn, bất cập cũng như hạn chế do sự chồng chéo, chồng lấn, trùng giẫm thẩm quyền áp dụng pháp luật liên quan đến giao thông của các bộ, ngành liên quan.
Đặc biệt, cần phân định rạch ròi giữa chức năng quản lý Nhà nước của từng bộ, ngành liên quan đến giao thông vận tải, nhất là tính đặc thù, riêng có trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực giao thông vận tải của Bộ Công an.
Từ đó, làm sáng rõ những ưu điểm, hiệu quả, phù hợp với thực tế khách quan trong bối cảnh, điều kiện, tình hình mới khi tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 Luật như nêu trên.
Đồng thời tổng hợp, phân tích, luận giải, phản biện khoa học đối với các quan điểm, ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận với việc đề xuất tách luật nêu trên của một số đại biểu Quốc hội cũng như một số cơ quan của Đảng, Quốc hội và các bộ, ban, ngành cũng như làm rõ những hạn chế về hình thức, nội dung 2 dự thảo luật nêu trên để làm cơ sở cho việc kiến nghị Chính phủ về định hướng hoàn thiện các dự thảo trước khi trình ra Quốc hội.
Tham luận trực tiếp tại hội thảo, đại diện Cục CSGT, Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội khóa XIV, VKSND tối cao, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội… đã tập trung thảo luận, thống nhất nhận thức, làm rõ vị trí, vai trò của bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân.
Đồng thời, đánh giá thực tiễn tổ chức hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thời gian qua, chỉ ra những bất cập của các quy định pháp luật hiện hành trên lĩnh vực này.
Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết và cấp thiết phải hoàn thiện pháp luật đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng xây dựng các đạo luật chuyên sâu. Theo đó nhất trí tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành luật Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp của Công an nhân dân với các bộ, ngành có liên quan trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật cho phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Kết luận hội thảo, Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi đánh giá cao các bài viết và các ý kiến tham luận tại hội thảo, trân trọng ghi nhận và sẽ tập hợp ý kiến của các đại biểu để báo cáo Bộ Công an làm luận cứ khoa học nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua.