Tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức

Chính phủ yêu cầu tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, đồng thời quy định cụ thể các chính sách đặc thù đối với nhà giáo - ngoài lương cơ sở, phụ cấp là cao nhất thì cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.

Lương cơ sở, phụ cấp nhà giáo là cao nhất

Về dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo được nêu tại các Văn kiện của Đảng; khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo với các luật khác có liên quan.

Do tính chất nghề nghiệp của nhà giáo, Chính phủ yêu cầu dự án Luật cần bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn, nhất là những bài học từ công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua.

Chính phủ yêu cầu tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức.

Chính phủ yêu cầu tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, nhưng cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của Luật này.

Cùng với đó, quy định cụ thể các chính sách đặc thù đối với nhà giáo, ngoài lương cơ sở, phụ cấp là cao nhất như Kết luận 91-KL/TW đã nêu thì cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, người có tâm huyết giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp, khả thi, có khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách nhà nước.

Tăng thuế rượu bia, thuốc lá

Đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu cần xây dựng quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt bám sát nguyên tắc định hướng tiêu dùng vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng phải đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.

Việc tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá… cần đi đôi với cơ chế hiệu quả phòng, chống buôn lậu, trốn thuế, có các công cụ để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng, dịch vụ cụ thể như phòng tập thể thao điện tử; điều hòa dân dụng, phương tiện giao thông... cần được bổ sung giải trình, thuyết minh có đầy đủ căn cứ để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Lộ trình tăng thuế cần tính toán hợp lý, bảo đảm sự vận hành của doanh nghiệp, tránh gây đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội.

Về Dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thiết kế công cụ hiện đại để thu thuế, kiểm soát và kiểm tra hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý thuế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, nghiên cứu giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế và nộp thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ người nộp thuế, chống thất thu thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tach-nha-giao-ra-khoi-doi-tuong-dieu-chinh-cua-luat-vien-chuc-post1669729.tpo