Tách riêng dự án tái định cư để tránh chuyện 'thả gà – bắc nước – rồi lại đuổi gà'
Góp ý sửa Luật Đất đai, luật sư Trần Hữu Huỳnh tán thành với việc tách dự án tái định cư ra thành dự án độc lập, tránh câu chuyện 'thả gà – bắc nước – rồi lại đuổi gà'.
Tại hội nghị lấy ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật – MTTQ Việt Nam tổ chức chiều 20/2, luật sư Trần Hữu Huỳnh - nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu nhiều góp ý đáng quan tâm liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất.
Rất khó đo đếm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Nhấn mạnh vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng, chưa thống nhất trong Luật Đất đai, ông Huỳnh đồng ý nguyên tắc thu hồi phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai kịp thời và đúng quy định.
Tuy nhiên, ông băn khoăn về nguyên tắc được nhiều người tán dương nhất là việc bồi thường phải bảo đảm "người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ". Trong đó, khó nhất là thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
"Tôi không biết sau này có xảy ra khiếu nại, khiếu kiện thì tòa án sẽ xử lý, tổ chức hòa giải thế nào. Thu nhập hơn nơi ở cũ là thế nào, gồm những thu nhập gì? Tôi nghĩ các vấn đề khác dễ đo đếm, riêng vấn đề này nên cân nhắc lại dù nhân dân rất hồ hởi", luật sư Trần Hữu Huỳnh đặt vấn đề.
Ngoài ra, ông lưu ý, hiện nay việc thu hồi đất chỉ tiếp cận theo khía cạnh vật chất, không theo khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của gia đình bị thu hồi. Trong khi đó, chúng ta ai cũng có quê hương.
Dẫn câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, ông Huỳnh cho rằng, ở đây đất chỉ tính bằng tiền, điều kiện vật chất. Nếu đặt vấn đề một cách nhân văn phải coi người bị thu hồi đất thực sự là người hy sinh quyền lợi và phải làm một cách toàn diện chứ không phải cân đo, đong đếm.
Không nên quy định thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội
Ông Huỳnh cho rằng từ ngữ dùng trong dự thảo chưa rõ ràng giữa từ "bồi thường" và "hỗ trợ". Cụ thể, "bồi thường" là Nhà nước cam kết bồi hoàn, còn "hỗ trợ" là chính sách của Nhà nước nhưng không biết ai là chủ thể.
Vì vậy “hỗ trợ” ở đây không rõ về chủ thể, định nghĩa, không phù hợp, không thống nhất với "bồi thường" trong thu hồi đất. Dự thảo luật cũng không có sự phân biệt trong "bồi thường", "hỗ trợ" trong trường hợp thu hồi đất khác nhau.
Luật sư bày tỏ ủng hộ các trường hợp thu hồi đất trong vấn đề an ninh quốc phòng, nhưng không nên quy định thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất.
"Tôi băn khoăn nhất là thu hồi cho các dự án phát triển thương mại. Tôi cho rằng chỗ này dẫn đến chủ nghĩa tư bản thân hữu; vấn đề bắt giam, tạm giữ, xử án, xử tù, mất cán bộ, mất đảng viên nằm rất nhiều trong quy chế này", ông Huỳnh cảnh báo.
Từ đó, luật sư đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị ban soạn thảo giải thích rõ thế nào là thu hồi đất vì lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Nếu không giải thích được thì đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ riêng các trường hợp này.
Ngoài ra, luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng bày tỏ băn khoăn về đề nghị bồi thường một lần, dù đã có kiến nghị nhưng chưa được tiếp thu trong dự thảo, để tránh tình trạng bồi thường lắt nhắt như hiện nay.
"Tôi cũng tán thành việc tách dự án tái định cư ra thành dự án độc lập, tránh câu chuyện thả gà – bắc nước – rồi lại đuổi gà. Trong thực tế hiện nay, nhiều lần bắt được gà rồi mà nước vẫn chưa sôi vì làm gì có tiền, có chủ trương chính sách để làm về tái định cư. Tôi thấy đây là tiến bộ của dự thảo luật", ông Huỳnh nhấn mạnh.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh chia sẻ câu chuyện ở Mỹ, có tỷ phú xây hai tòa biệt thự đồ sộ nhưng ở giữa có nhà của bà cụ mà trả bao nhiêu tiền cũng không lấy được vì nơi đây là tuổi thơ của bà. Ông tỷ phú đành phải xây thành 2 tòa nhà, ở giữa có cái lều nho nhỏ.
Tuy nhiên, ông tỷ phú đã biến câu chuyện này thành nơi để thu hút du lịch, ai đến đó cũng thích và đến xem căn nhà của bà cụ.
Đến lúc chết, bà cụ đã không bán căn nhà này mà lại tặng cho ông tỷ phú bởi vì ông sống tình nghĩa. Sau này, ông tỷ phú cũng không bán căn nhà đó mà giữ lại để làm địa điểm du lịch, tôn trọng những gì thuộc về quá khứ.