Những tháng năm tươi đẹp

'Càng bi tráng bao nhiêu thì ngay thời khắc đó con người càng cảm thấy cuộc sống ý nghĩa bấy nhiêu. Lúc đó mới trân trọng những gì mình có! Tôi thấy tự hào vì bản thân có mặt trong cuộc chiến này, dù trong 600 anh em từ Bắc vào Nam tham gia chiến đấu, tới chiến trường chỉ còn 300-400 người. Ở giữa bom đạn, xác định một phần sống, 3-4 phần chết nhưng vẫn lựa chọn' - cựu chiến binh Ngô Đức Tiến (ấp Xa Cát, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), nguyên Thiếu úy, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 có lúc đã lặng người khi kể lại cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian 'tươi đẹp' mà ông đã trải qua.

Tàu Ô rực lửa chiến công

Do vị trí đặc biệt quan trọng, Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành chiến lũy án ngữ đoạn đường 13. Đây là bàn đạp quan trọng để ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng. Tàu Ô trở thành khu vực trọng điểm giành giật giữa ta và địch trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Hơn nữa, giữ được đường 13 thì chúng ta mới giữ được địa bàn Lộc Ninh, đảm bảo và đưa Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về căn cứ cách mạng.

Tàu Ô - Xóm Ruộng - 'bức tường thép' trên đường 13

'Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 trên chiến trường Đông Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Miền sử dụng 3 sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9) và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước tham gia chiến dịch. Sư đoàn 7 và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước được giao nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô. Nhiệm vụ là tấn công, ngăn chặn địch trên đường 13 dài gần 20km (đoạn từ phía Nam Bình Long đến phía Bắc Chơn Thành), trọng điểm là khu vực Tàu Ô, không cho một tên địch, một chiếc xe tăng nào từ Chơn Thành lên và từ Bình Long xuống, để quân ta giải phóng Lộc Ninh và tiến công thị xã An Lộc...' - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 kể về chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô của 50 năm trước.