Tại Việt Nam, chính sách ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 được mở rộng cho đối tượng phụ nữ mang thai trên 13 tuần và đang cho con bú. Các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được tăng cường đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu những bất bình đẳng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Các nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra gần 2 năm qua tác động nghiêm trọng hơn tới phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người ở các nước nghèo, phụ nữ bản địa, phụ nữ da màu và sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
Với việc sát cánh bên nhau, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hy vọng sẽ giải quyết được những rào cản nhằm giúp phụ nữ tham gia đầy đủ và có ý nghĩa hơn vào nền kinh tế khu vực.
Ngày 24/9 Bộ trưởng Phụ nữ New Zealand Jan Tinetti đã kêu gọi các nước thành viên quan tâm thích đáng tới những tác động của đại dịch đối với cơ hội việc làm và đời sống của phụ nữ.
Trước những khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn cam kết và ưu tiên thực hiện bình đẳng giới thông qua việc ban hành và triển khai các chiến lược, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đến năm 2030 và những nỗ lực đóng góp thực hiện mục tiêu mà APEC đề ra.
Đại diện đoàn Việt Nam đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất đối với phụ nữ, đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine của phụ nữ.