Những bức ảnh quý về Vua Lửa Siu Luynh

Những bức ảnh về Vua Lửa thứ 14 Siu Luynh của nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc và Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong có nhiều giá trị về nghệ thuật và tư liệu. Có thể nói, đây là những bức ảnh đẹp nhất chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về chân dung, hoạt động của một vị Vua Lửa lúc sinh thời. Cùng với hiện vật, những bức ảnh giúp tái hiện bức tranh buôn làng dân tộc Jrai xưa với những nhân vật đầy sắc màu cổ tích, huyền thoại.

Chiếc 'áo bông tròn' của dân tộc Cor

Áo dài khăn đóng không chỉ là bộ trang phục cổ điển của người Việt, mà nó cũng là loại trang phục truyền thống được ưa thích của các già làng dân tộc Cor sinh sống ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đồng bào gọi đó là 'áo bông tròn' vì hoa văn hình tròn tượng hình chữ 'Thọ', chữ 'Vạn', rồng trên nền vải lụa, không giống như hoa văn băng dải dạng hình học, đường gấp khúc trên vải thổ cẩm của người miền núi.Không riêng đồng bào Cor mà một số tộc người khác như Cơ Tu, Bru - Vân Kiều, Tà Ôi... sinh sống ở dọc dải Trường Sơn đều sử dụng trang phục áo dài khăn đóng hoặc khăn quấn. Trong lễ kết nghĩa, lễ cưới, hát lý - nói lý, già làng Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam thường mặc áo dài lụa xanh, đội khăn đóng, đeo nhiều món trang sức tùy theo sở thích của từng người. Dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, Quảng Bình, các thầy mo, thầy cúng bắt buộc phải mặc áo dài lụa màu xanh trong lúc thực hành các lễ nghi. Bộ sưu tập ảnh chủ đề 'Thần linh - Tổ tiên - Thầy cúng' (Triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2018) của nhà dân tộc học nổi tiếng Vagryas Gabo, có khá nhiều ảnh chụp thầy cúng người Bru - Vân Kiều mặc áo dài khăn đóng. Một điều đáng lưu ý là trong khi những vị cao niên người Kinh mặc áo dài, khăn đóng màu đen là khá phổ biến thì các già làng dân tộc thiểu số không sử dụng màu này. Người Cor ở Quảng Ngãi thích áo dài nhiều màu, người Cơ Tu và người Bru - Vân Kiều thích áo dài màu xanh.