Theo thống kê từ Sở Công Thương, tại các huyện miền núi Thanh Hóa đến nay đã thành lập được 21 cụm công nghiệp (CCN), với quy mô 643,7 ha, đây là cơ sở thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Huyện Quan Sơn có nguồn tài nguyên khoáng sản chủ yếu là đá, cát, chì, kẽm, bạc, sắt... Để phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác khoáng sản, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn, trên địa bàn huyện có 8 cơ sở chế biến khoáng sản được cấp phép. Trong đó, có 2 cơ sở đang hoạt động, 3 cơ sở đã đóng cửa mỏ, 1 cơ sở tạm dừng khai thác, 1 cơ sở đã hết hạn khai thác và đang tiếp tục xin chủ trương chấp thuận đầu tư, 1 cơ sở mới được cấp phép thăm dò khai thác.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đảm bảo an toàn lao động theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn về việc tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh.