Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) về Hà Nội đang là thách thức đặt ra cho những thế hệ văn nghệ sĩ kế cận. Vấn đề trên được các văn nghệ sĩ lão thành đặt ra trong buổi tọa đàm: 'Những kinh nghiệm của các thế hệ văn nghệ sĩ trong việc tổ chức sáng tác và truyền thụ kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận' do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức.
Tuy số lượng tác phẩm của giới văn học, nghệ thuật Thủ đô những năm gần đây tăng mạnh, nhất là của tác giả mới, nhưng còn thiếu vắng tác phẩm có tính cách tân, định hướng thị hiếu công chúng và có sức lan tỏa trong xã hội. Phóng viên Báo Hànôịmới đã ghi lại một số ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ tên tuổi ở Hà Nội, mong truyền cảm hứng cho thế hệ kế cận có nhiều tác phẩm giá trị, xứng tầm.
Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mở ra cơ hội, vừa đặt ra thách thức cho nghệ thuật sân khấu để tồn tại và phát triển. Sân khấu Thủ đô dù đang có những bước chuyển mình, nhưng vẫn cần nghĩ xa để tiến xa hơn, đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhất là thế hệ 'công dân toàn cầu'.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ kéo theo những thay đổi lớn trong cách tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của công chúng hiện đại đang đặt sân khấu truyền thống vào thế cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí khác. Và trong cuộc đua ấy, sân khấu không thể đứng ngoài mà phải tận dụng những thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới và phát triển.