Mùa xuân năm Mậu Dần (1818) khắc sâu vào lịch sử vùng đất phương Nam dấu ấn khai phá mang tầm chiến lược. Dưới sự điều động tài ba của Thoại Ngọc Hầu, kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, hay còn gọi là kênh Thoại Hà, đã được hình thành, không chỉ nối liền huyết mạch giao thương, mà còn khơi dậy tiềm năng trù phú của một vùng đất còn hoang sơ.
'An Giang có địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, từng là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam; địa bàn chiến lược ở vùng biên cương Tây Nam dưới triều Nguyễn; xuất hiện nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử nổi tiếng. Vì vậy, địa bàn tỉnh trở thành một 'vùng di sản' hàng đầu ở ĐBSCL. Toàn tỉnh có 1.198 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tính trung bình, mật độ di tích của tỉnh là 0,76 di tích/100km2. Đây là mật độ cao nhất trong vùng ĐBSCL. Có thể thấy rằng, trên địa bàn tỉnh nổi lên 3 trung tâm di sản hàng đầu là Thoại Sơn, Long Xuyên, Châu Đốc. Ba trung tâm này rất thuận lợi để kết nối thành tuyến du lịch (DL) hấp dẫn, gọi là 'Con đường di sản An Giang'- PGS.TS Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định.
'Long Xuyên nước ngọt gió hiền/ Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang/ Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang/ Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua…'. Nằm bên bờ sông Hậu, TP. Long Xuyên ôm thêm con sông Long Xuyên trong lòng. Con sông trở mình chia thành nhiều nhánh, nhiều dòng chảy, làm mềm mại nỗi niềm nhớ quê của người xa xứ. Trở lại nguồn gốc xa xưa, nó chính là kênh Thoại Hà, con kênh đào sớm nhất ở Nam Bộ.