Tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học: Chờ chiến lược dài hơi

Tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT mà còn liên quan tới bộ, ngành và các địa phương.

Khuôn viên Trường ĐH CNTT và Truyền thông tiếp nhận từ cơ sở của Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt – Hàn. Ảnh: Hoàng Vinh

Khuôn viên Trường ĐH CNTT và Truyền thông tiếp nhận từ cơ sở của Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt – Hàn. Ảnh: Hoàng Vinh

Sau khi có Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, việc sáp nhập một số cơ sở giáo dục đại học đã được thực hiện nhưng gần như chỉ dựa vào việc chủ động đề xuất đơn lẻ của từng cơ sở giáo dục.

10 năm cho một đề án sáp nhập

ĐH Đà Nẵng vừa có thêm cơ sở giáo dục đại học – Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn. Đây không phải đơn vị được thành lập mới mà dựa trên sự hợp nhất các đơn vị đào tạo công nghệ thông tin (CNTT), gồm: Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông); Trường Cao đẳng CNTT, Khoa CNTT và Truyền thông và một số đơn vị khác thuộc ĐH Đà Nẵng.

Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt – Hàn, ĐH Đà Nẵng (VKU) có 5 Khoa, 8 phòng chức năng, 3 trung tâm và 2 tổ trực thuộc với gần 2.000 sinh viên và định hướng quy mô đến năm 2025 là 10.000 sinh viên ĐH và sau ĐH. Năm 2020, VKU dự kiến tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu của 3 ngành đào tạo bậc ĐH có nhu cầu nhân lực cấp thiết hiện nay: CNTT, Công nghệ kỹ thuật máy tính và Quản trị kinh doanh. Trong những năm tiếp theo, VKU triển khai chương đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho những ngành thuộc các lĩnh vực mới theo xu hướng chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, robotics, IoT, an toàn thông tin, kinh tế số, thương mại điện tử, logistics...

PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Quyền Hiệu trưởng VKU cho biết: Lãnh đạo Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt – Hàn, Trường CĐ CNTT và các đơn vị khác của ĐH Đà Nẵng đã kiên trì và bền bỉ hơn 10 năm theo đuổi Đề án sáp nhập trường.

"Các trường CĐ nói chung có trên 10 khoa – phòng. Trong khi đó, cơ cấu của trường ĐH mới ra đời tùy thuộc vào tình hình tuyển sinh ngành nghề, số lượng khoa không thể phình ra mà phải dựa vào ngành đã có SV và các ngành được tuyển sinh trong năm 2020. Hiện, VKU có 3 khoa và theo đề án những năm sắp tới sẽ có 5 khoa. Chính vì vậy, lãnh đạo nhà trường không quan tâm quá nhiều đến việc trước đây, ai giữ chức trưởng – phó khoa ở trường nào mà phải tính đến sự phát triển chung của Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt – Hàn" - PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho biết.

Vì là sáp nhập giữa hai trường khác Bộ chủ quản, nên theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, ngoài những khó khăn trong phối hợp giữa hai Bộ, còn quá nhiều thủ tục, quy định. "Bàn giao nhân sự phải qua Bộ Nội vụ, tài chính qua Thường vụ Quốc hội, tài sản xin ý kiến Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). Chúng tôi được biết, quá trình như thế có những trường bàn giao một năm vẫn chưa xong. Việc bàn giao tài chính của VKU cũng trình Quốc hội để chuyển ngân sách do khác Bộ. Riêng về nhân sự, bàn giao trên thực tế đã xong" – Quyền Hiệu trưởng VKU cho biết.

Về đội ngũ, theo chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Công Pháp, các đơn vị, trong đó có Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt – Hàn và Trường CĐ CNTT - ĐH Đà Nẵng có quá trình chuẩn bị 10 năm nên từ tâm lý đến điều kiện về trình độ đội ngũ đều tốt.

Loay hoay tìm bến đỗ

Đầu năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất với ĐH Đà Nẵng về việc Trường ĐH Quảng Nam trở thành thành viên của ĐH này. Việc này nhằm nâng tầm, tạo vị thế mới cho Trường ĐH Quảng Nam cũng như giải quyết vấn đề tuyển sinh của trường. Liên tiếp trong 3 năm gần đây, tỉ lệ tuyển sinh của trường khá thấp so với chỉ tiêu. Thậm chí, số SV tuyển mới nhập học năm 2019 còn ít hơn cả số cán bộ, GV, nhân viên của trường (215 SV). Trong khi ngân sách đào tạo được cấp theo đầu SV buộc nhà trường phải hoàn trả lại phần được cấp vì số lượng SV không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch giao. Tuy nhiên, trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, đây mới là đề xuất từ phía UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, "khó khăn của các trường ĐH, nhất là trường ĐH địa phương trong công tác tuyển sinh là sự lựa chọn của SV ngày nay còn phụ thuộc vào môi trường xã hội, sự phát triển của địa phương nơi nhà trường đặt địa điểm hoạt động. Điều này không có gì lạ vì SV đến học là nhắm đến cơ hội việc làm, môi trường để giao lưu, kết nối". Chính vì vậy, nhiều trường CĐ, ĐH địa phương đã và đang xây dựng đề án sáp nhập với trường lớn, có bề dày và uy tín. Như Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị đưa ra phương án sáp nhập với phân hiệu Quảng Trị của ĐH Huế để trở thành Trường ĐH Sư phạm – Kỹ thuật Quảng Trị, trực thuộc ĐH Huế. Trường CĐ Sư phạm Gia Lai báo cáo với UBND tỉnh Gia Lai về việc phương án sẽ trở thành cơ sở của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại Gia Lai…

Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, kể cả công lập và ngoài công lập được Bộ GD&ĐT xem là giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ở cả khu vực tư và công đều có những giải pháp để cơ cấu lại. Tuy nhiên, việc giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín, thậm chí là chuyển đổi bậc đào tạo cũng chỉ giúp các trường "vực dậy" nếu nó gắn liền với mục tiêu cải thiện điều kiện và chất lượng đào tạo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tai-cau-truc-he-thong-giao-duc-dai-hoc-cho-chien-luoc-dai-hoi-1595304776401.html