Tái chiếm vỉa hè sau 5 tháng mở chiến dịch 'giành lại vỉa hè cho người đi bộ'

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây tại phường Yên Hòa đang có hiện tượng tái chiếm vỉa hè, khiến người dân bức xúc.

Tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Quán ốc Sài Gòn nằm trên đường Dương Đình Nghệ nằm trên đất dự án, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh

Quán ốc Sài Gòn nằm trên đường Dương Đình Nghệ nằm trên đất dự án, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh

Sau 5 tháng Hà Nội triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè, nhiều tuyến phố trở nên gọn gàng, ngăn nắp, thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, tạo nên các tuyến phố khang trang, văn minh.

Theo Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm đã lập biên bản hơn 32.000 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, phạt tiền hơn 17,7 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh ăn uống, buôn bán.

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường đã có nhiều chuyển biến song chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được dẫn đến tình trạng tái chiếm.

Quán ốc này chiếm hết vỉa hè, gây khó khăn cho người đi bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT

Quán ốc này chiếm hết vỉa hè, gây khó khăn cho người đi bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT

Phản ánh đến PL&XH, một số công dân cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, vỉa hè, lòng đường vẫn đang bị các hộ kinh doanh “bức tử”, gây khó khăn cho người đi bộ. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà xưởng, hàng quán, gara ô tô xây dựng có dấu hiệu trái phép trên nhiều tuyến phố trung tâm, gây mất TTĐT, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Có mặt tại phường Yên Hòa, PV PL&XH nhận thấy những phản ánh của người dân là có cơ sở.

Quán Ốc Sài Gòn, nằm trên đường Dương Đình Nghệ, thuộc địa phận phường Yên Hòa, bất kể ngày hay đêm, vỉa hè nằm trên khúc cua bị “độc chiếm” làm nơi bày bán kinh doanh, bàn ghế, bảng biển, phông bạt, mái che xếp tràn lan trên vỉa hè, gây khó khăn cho người đi bộ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Thậm chí, thực phẩm được quán ăn này sơ chế xong rồi xả nước thải trực tiếp ra đường, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Nhiều nhà xưởng mọc trên đất dự án, sử dụng đất sai mục đích nhưng chưa bị UBND quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa ra quân xử lý dứt điểm

Nhiều nhà xưởng mọc trên đất dự án, sử dụng đất sai mục đích nhưng chưa bị UBND quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa ra quân xử lý dứt điểm

Quá trình tác nghiệp, PV còn chứng kiến tình trạng tranh giành vỉa hè để kinh doanh trái phép. Ống kính của PV PL&XH ghi lại được, một phụ nữ bước từ quán ốc ra tuyên bố cả đoạn mặt bằng này là của bà ta đã thuê, “Muốn buôn bán, chỉ cần nói một câu thôi là tao cho bán thoải mái”, người phụ nữ này nói.

Vỉa hè, lẽ ra là nơi mang lại sự an toàn cho người đi bộ, cũng như tạo nên cảnh quan đô thị ngăn nắp và có trật tự, thì tại đây lại biến thành “vùng cấm” do một số cá nhân tạo ra để “kiếm ăn”.

Qua tìm hiểu được biết, quán ăn này, cùng nhiều hàng quán, nhà xưởng, gara ô tô xung quanh đó đang sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép. Điều đáng nói, suốt quá trình tác nghiệp, PV không thấy sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng phường Yên Hòa và quận Cầu Giấy.

Bãi gửi xe cũng mọc trên đất dự án thuộc địa phận phường Yên Hòa

Bãi gửi xe cũng mọc trên đất dự án thuộc địa phận phường Yên Hòa

Điểm b khoản 5 Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, hành vi: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức.

Điểm d khoản 2 Điều 25, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.

Chiến dịch giành lại vỉa hè tại TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng để chiến dịch thực sự có hiệu quả và đồng bộ, thì vai trò của người đứng đầu địa phương, cụ thể là Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cần có biện pháp duy trì, không để tái diễn vi phạm, đúng với phương châm của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội, quá đó tạo niềm tin trong nhân dân.

Liên quan đến tình trạng chiếm dụng đất công, đất dự án chưa triển khai để sử dụng sai mục đích, trái phép, trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa từng khẳng định: “Phường xây dựng các kế hoạch, giao cho từng cá nhân sát từng việc, từ đó quy trách nhiệm, để làm sao việc thực hiện phải đúng, đủ và không để chậm trễ. Việc này chúng tôi đã xây dựng theo lộ trình cụ thể. Trước mắt, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ, di dời, trả lại mặt bằng các ô đất để đưa vào quản lý theo quy định, thẩm quyền.

Đối với các trường hợp chây ỳ, khi đã được tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và ra các thông báo yêu cầu khẩn trương tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình, tài sản… vi phạm ra khỏi các ô đất mà không tự giác thực hiện, cố tình tiếp tục vi phạm, UBND phường Yên Hòa sẽ thành lập các tổ công tác kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ xử lý, đồng thời báo cáo UBND quận để có biện pháp cưỡng chế, giải tỏa”.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tai-chiem-via-he-sau-5-thang-mo-chien-dich-gianh-lai-via-he-cho-nguoi-di-bo-350546.html