Tài chính cho các giải pháp về nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Đồng băng sông Cửu Long...

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước cho đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm công nghệ và nguồn vốn quốc tế”.

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước cho đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm công nghệ và nguồn vốn quốc tế”.

Đồng bằng Sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mekong thuộc Việt Nam có diện tích 3,9 triệu hecta, có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là chìa khóa chính trong chiến lược an ninh lương thực Quốc gia.

Tuy nhiên, đây là khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và nguồn nước sông Mê Kông ngày càng bị thiếu hụt. Với 95% nguồn nước chảy vào vùng này đến từ sông Mê Kông và chỉ có 5% là nội sinh, việc bảo đảm an ninh nguồn nước ngọt cho vùng đồng bằng này trở nên cấp thiết.

Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước cho đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm công nghệ và nguồn vốn quốc tế” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, phối hợp cùng Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế - Invest Global, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tổ chức ngày 30/8/2024, các đại diện của Tập đoàn Aquaworks (Hàn Quốc) đã bày bỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội để có thể cung cấp các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước tại đồng bằng Sông Cửu Long.

Hiện nay, Aquaworks sở hữu giải pháp tái sử dụng nước thải và xử lý nước cốt lõi thế hệ mới cùng nhiều công nghệ khác có thể xử lý và tái tạo nguồn nước. Các giải pháp của tập đoàn đang giúp xử lý nước ở rất nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm tại một số quốc gia Đông Nam Á và khu vực châu Phi.

Với đồng bằng Sông Cửu Long, ông Shin Yongil, Tổng giám đốc Tập đoàn Aquaworks, cho biết kỹ thuật của Aquaworks không chỉ cung cấp nước sạch cho sinh hoạt mà làm sạch nước cho toàn hệ thống, như giải pháp để giảm ô nhiễm nước sông. Kỹ thuật này được áp dụng tại Việt Nam sẽ rất hiệu quả không chỉ về chất lượng mà còn cả chi phí.

"Tuy nhiên, đối với các vấn đề đặc thù tại đồng bằng Sông Cửu Long như hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường... chúng tôi cần có buổi điều tra thực tế, sau đó chúng tôi mới đưa ra được giải pháp thực tế hơn," ông Shin Yongil chia sẻ. "Chúng tôi mong muốn công nghệ Aquaworks có thể sản xuất tại Việt Nam để có thể giảm giá thành thiết bị".

Về phía Việt Nam, GS. Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội nuôi biển Việt Nam, cho biết có hơn 200 doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu sẵn sàng mua một số thiết bị sục khí bằng màng, xử lý nước biển thành nước ngọt cho vùng đảo xa, trại nuôi trồng ven biển. Tuy nhiên, cần cơ chế tài chính hoặc chính sách để hỗ trợ quá trình mua sắm đó thuận lợi.

Chủ tịch Hội nuôi biển Việt Nam cũng đưa ra ba đề xuất.

Một là về phương thức hợp tác trong mua bán trang thiết bị xử lý nước của Aquaworks, năng lực tài chính của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Do đó, Giáo sư đề nghị việc mua bán công nghệ có hình thức hỗ trợ bằng trả chậm trả dần, cho phía Việt Nam vay để mua thiết bị.

Hai là xem xét vấn đề sản xuất, ít nhất là một phần thiết bị công nghệ của Aquaworks tại Việt Nam để giảm bớt giá thành.

Ba là cân nhắc việc hợp tác giữa Hiệp hội với công ty với để làm một số dự án thực tế trong năm nay hoặc năm sau để ứng dụng thực tế mô hình từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Ví dụ, hai dự án cung cấp nước ngọt cho đảo Hòn chuối (Cà Mau) đã có thỏa thuận với UBND tỉnh Cà Mau nhằm xây dựng đảo thành đô thị cấp huyện để phát triển du lịch, nhưng do không có nước ngọt, nên chúng tôi mong muốn cùng Aquaworks xây dựng một trạm nước ngọt cho đảo, không cần quy mô lớn nhưng giải quyết được ngay vấn đề nước ngọt.

Dự án thứ 2 là mong muốn hợp tác với công ty dể xây dựng trạmg cung cấp nước ngọt trên biển cho Đề án đang trình Chính Phủ xây dựng các cụm Công nghiệp trên biển, nằm ở khoảng cách ngoài 6 hải lý.

"Tôi rất mong muốn biến các nội dung thảo luận tại Hội thảo Khoa học này thành thực tế để nhanh chóng biến các giải pháp công nghệ này để cải tạo, cung ứng nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long", GS. Dũng bày tỏ.

Trả lời đề nghị của GS. Dũng về giải pháp tài chính hỗ trợ cho các dự án tại Việt Nam, ông Sam Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Aquaworks, cho biết cách đây 3 ngày trước Công ty có làm việc với các ngân hàng và họ cho biết sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính giá tốt sẵn sàng đồng hành cùng Aquaworks triển khai các dự án tại Việt Nam.

"Về thiết bị, chúng tôi cũng thấy rằng cần làm sao để Việt Nam cùng tham gia phối hợp với phía Hàn Quốc sản xuất một số bộ phận phù hợp của thiết bị công nghệ để việc triển khai tốt hơn, giảm chi phí cho người dân".

Ông Sam Nguyễn tin tưởng rằng cùng với công nghệ và kỹ thuật của mình, Aquaworks sẽ hợp tác với các chuyên gia của Việt Nam để tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

Ngọc Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tai-chinh-cho-cac-giai-phap-ve-nguon-nuoc-o-dong-bang-song-cuu-long.htm