Tài chính đất và định giá đất là 'nguyên nhân của mọi nguyên nhân'

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7/4, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra, cuối giờ sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã phát biểu kết thúc Hội nghị sau gần 3 ngày làm việc.

 Quang cảnh phiên làm việc của Hội nghị sáng 7/4 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Hội nghị sáng 7/4 (ảnh: VPQH cung cấp).

Nội dung làm việc liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã thu hút 29 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có phần giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến toàn diện sâu sắc, thể hiện nghiên cứu kĩ lưỡng dự thảo mới nhất và từ thực tiễn các đại biểu đã có nhiều đề xuất xác đáng. Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là những đóng góp quan trọng cho Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội. Từng vấn đề đại biểu Quốc hội góp ý sẽ có giải trình đầy đủ.

Tìm bài toán giải quyết tài chính đất đai

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, qua theo dõi, có trên 50% vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập về tài chính đất và định giá đất. Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu giải quyết được vấn đề này thì các vấn đề khác cũng được giải quyết từ tranh chấp về đất đai, khiếu nại, tố cáo… Do đó, từ các Luật Đất đai trong suốt thời gian qua từ 1993 đến nay, các cơ quan kiên trì tìm bài toán giải quyết tài chính đất đai, vấn đề giá thị trường. Mục tiêu đặt ra là phù hợp với giá thị trường.

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với 4 phương pháp tính hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ có giá chính xác. Nguyên nhân là do thông số đầu vào không chính xác. Lần này dự thảo Luật xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu thập giá đúng.

Để làm được điều này, người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng ký với văn phòng (đất đai) với giá đúng. Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng ký thực hiện chuyển quyền đăng ký ở văn phòng để có dữ liệu, và có phương pháp tính đúng, có thông tin trên bản đồ từ đó tính toán và đưa ra giá trị chuẩn.

Chú trọng đất đai cho đồng bào ở vùng sâu vùng xa

Đối với đất đai cho đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, Phó Thủ tướng Chính phủ tán thành với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chú trọng đồng bào ở vùng khó khăn, những người sinh kế phụ thuộc vào đất rừng, kể cả người Kinh ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biết khó khăn… để từ đó xác định bao phủ chính sách cho đúng đối tượng. Về đất nông lâm trường, thời gian tới Nhà nước sẽ thu hồi những nông lâm trường làm ăn không hiệu quả để giao trả cho địa phương từ đó có phân bổ cho đồng bào.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tâm đắc với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về điều tiết địa tô. Theo đó, điều tiết địa tô, Nhà nước cần có chính sách để hài hòa, vừa thu được địa tô vừa điều tiết cho người dân đã giữ đất, phát triển đất, lợi ích cộng đồng, điều tiết được cho người dân ở khu vực, cho những người dân khác ở những khu vực khác không có điều kiện, những người bị thu hồi chỉ làm công trình công cộng như là quốc phòng, an ninh…

Mặt khác, về nội dung chính sách cụ thể cũng cần được nghiên cứu làm rõ hơn về tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm để đưa vào ngân sách nhà nước để điều tiết cho những khu vực mà các dự án đầu tư công ích khác...

Các dự án thu hồi đất đều phải có dự án tái định cư được quy hoạch trước

Một vấn đề khác được Nhân dân quan tâm là thu hồi đất đai, đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư. Tiếp thu các ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Ban soạn thảo cố gắng để lượng hóa được nội dung người dân bị thu hồi đất gồm cả đất sản xuất, đất ở có điều kiện sống gồm cả điều kiện ở và điều kiện sản xuất, có sinh kế phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây. Ban soạn thảo quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế… chính là những điều kiện sống tốt hơn, chỗ ở có diện tích lớn hơn.

Dẫn chứng các mô hình triển khai bố trí tái định cư hiệu quả, người dân phấn khởi hưởng ứng như tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết cơ quan soạn thảo cố gắng nghiên cứu để đưa các mô hình này vào trong luật.

 Quang cảnh Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là khi đưa ra kế hoạch về sử dụng đất cấp huyện phải đưa ra được kế hoạch về khu tái định cư hay trong quy hoạch về đô thị và dân cư phải xác định khu tái định cư nằm ở đâu. Đồng thời làm rõ, khu tái định cư chính là một khu đô thị trong đó có thực hiện nhiệm vụ cho những người tái định cư, có thể bố trí xen kẽ khu dân cư ngay tại đô thị đó hoặc có thể tạo ra một khu đô thị mới sử dụng luôn hạ tầng và các điều kiện ở đó.

Bên cạnh đó, trong luật cũng tính đến những điều kiện về hạ tầng, khoảng cách, có rất nhiều lựa chọn cho người có đất bị thu hồi không bị thiệt thòi.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm là phải tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân. Trong từng dự án phát triển nếu là dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nhà. Các dự án thu hồi đất đều phải có dự án tái định cư được quy hoạch trước, được bố trí để xây dựng hạ tầng, được bố trí để người dân lựa chọn mô hình nhà cửa của mình, kèm theo đó có một bản kế hoạch về đền bù, hỗ trợ. Cùng với đó tính toán trong trường hợp có quỹ để sử dụng cho những người không có điều kiện để sản xuất, sinh kế để có bảo trợ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc Hội nghị

Phát biểu kết thúc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận, góp ý vào 7 dự án luật, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Hội nghị đã hoàn thành chương trình làm việc, đạt kết quả tốt, quán triệt các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong buổi khai mạc. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật đúng theo quy định.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảm ơn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành, đại diện các cơ quan hữu quan đã tham dự và đóng góp ý kiến để Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 diễn ra thành công tốt đẹp.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tai-chinh-dat-va-dinh-gia-dat-la-nguyen-nhan-cua-moi-nguyen-nhan-138174.html