Tài chính xanh: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Tài chính xanh đang dần trở thành công cụ không thể thiếu tại Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững, hướng mục tiêu NetZero. Song thực tế, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong tiếp cận tín dụng xanh, trái phiếu và cổ phiếu xanh– những kênh vốn quan trọng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng…

Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero” tại TP. Hồ Chí Minh sáng 26/11.

Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero” tại TP. Hồ Chí Minh sáng 26/11.

Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy– Vietnam Economic Times và các cơ quan tổ chức sáng 26/11 tại TP. Hồ Chí Minh đã nêu bật ba vấn đề cốt lõi về tín dụng xanh, trái phiếu và cổ phiếu xanh, cùng với thị trường carbon.

DOANH NGHIỆP KHÓ KHĂN TIẾP CẬN TÀI CHÍNH XANH

Các chuyên gia nhấn mạnh: "Hệ thống ngân hàng và tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cho các dự án xanh, từ đó góp phần đạt được các mục tiêu bền vững".

Tuy nhiên, thách thức đầu tiên nằm ở việc thiếu một bộ tiêu chí xanh quốc gia để định nghĩa rõ ràng các dự án đủ điều kiện nhận vốn xanh. Điều này khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính gặp khó khăn trong việc đánh giá và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng xanh.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng lại gặp nhiều thách thức khi tiếp cận tài chính xanh. Không chỉ đối mặt với các vấn đề về chi phí vốn, họ còn thiếu kiến thức và nhân lực để xây dựng các dự án phù hợp với tiêu chí xanh.

Toàn cảnh hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh sáng ngày 26/11.

Toàn cảnh hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh sáng ngày 26/11.

Ngoài ra, rủi ro môi trường và xã hội thường khiến các tổ chức tài chính yêu cầu mức bảo đảm cao hơn, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.

“Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo, ưu đãi thuế, hoặc quỹ hỗ trợ riêng biệt để giúp họ tiếp cận tài chính xanh một cách hiệu quả hơn”, bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Cushman & Wakefield Việt Nam, đề xúat.

Để vượt qua những rào cản hiện tại, các chuyên gia đã đưa ra 3 giải pháp.

Thứ nhất, ban hành Bộ tiêu chí xanh quốc gia để tạo cơ sở quan trọng cho các ngân hàng và tổ chức tài chính thống nhất trong việc đánh giá và cấp vốn.

Thứ hai, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc thiết lập các cơ chế ưu đãi, bao gồm giảm lãi suất hoặc cung cấp các quỹ hỗ trợ xanh.

Thứ ba, phát triển thị trường carbon và trái phiếu xanh. Từ đó, tạo các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường trái phiếu xanh bằng cách hợp tác với các tổ chức quốc tế.

TRÁI PHIẾU VÀ CỔ PHIẾU XANH: DƯ ĐỊA LỚN NHƯNG NHIỀU THÁCH THỨC

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019–2023, Việt Nam chỉ phát hành được khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, con số còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn lên đến 20 tỷ USD mỗi năm cho các mục tiêu chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.

Thực trạng này cho thấy thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn, đặc biệt là chi phí vốn cao.

"Việc tiếp cận vốn xanh từ các tổ chức tài chính đối với doanh nghiệp Việt Nam thường không khả thi vì lãi suất cao hơn so với các khoản vay thương mại thông thường".

Ông Lê Trung Thông, Giám đốc Công ty Lagom Việt Nam.

Ông Lê Trung Thông, Giám đốc Công ty Lagom Việt Nam, nêu thực tế: nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ tài chính xanh, đồng thời chưa đáp ứng được các yêu cầu về minh bạch thông tin và báo cáo.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA, chỉ rõ: "Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống chuẩn mực đủ mạnh để các ngân hàng áp dụng khi xem xét các khoản vay xanh".

Theo TS. Nam, hiện nay, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đang áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau khi cung cấp tín dụng xanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn xanh phải tuân theo chuẩn mực của tổ chức tín dụng cụ thể mà họ vay vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm bất lợi vì sự thiếu thống nhất và chuẩn hóa trong các tiêu chí vay vốn khiến doanh nghiệp lúng túng và làm tăng chi phí giao dịch.

"Mặt khác, tiềm năng nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính quốc tế là rất dồi dào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực để đáp ứng được các tiêu chuẩn của những tổ chức này", ông Nam đánh giá.

Đối với thị trường cổ phiếu xanh, tình trạng thiếu sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn là rào cản lớn. TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, Đại học RMIT Việt Nam, nhấn mạnh: "Chúng ta cần xây dựng các cơ chế ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường này, bao gồm việc cải thiện tính minh bạch và sử dụng các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế".

Để tận dụng tối đa nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các khung pháp lý và chuẩn mực, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận nguồn tài chính xanh nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

THỊ TRƯỜNG CARBON: CẦN MỘT KHUNG PHÁP LÝ HOÀN CHỈNH HƠN

Trong những năm tới, thị trường tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ trở thành một trụ cột quan trọng trong tài chính xanh và giúp Việt Nam hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại đã kí kết.

Đặc biệt, thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ...

TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA.

TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA.

Theo TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, việc thí điểm thị trường carbon sẽ bắt đầu vào năm 2025, với mục tiêu vận hành chính thức vào năm 2028.

Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam thực hiện các cam kết giảm phát thải, đồng thời mở ra cơ hội lớn trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thị trường carbon hiện vẫn còn nhiều hạn chế như tính thanh khoản thấp và thiếu các quy định đồng bộ.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển tài chính xanh, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc tháo gỡ các rào cản và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh sẽ đóng vai trò quyết định trong hành trình đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

"Những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng chính sách và phát triển thị trường tài chính xanh sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài", TS. Lại Văn Mạnh nhấn mạnh.

Như Quỳnh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tai-chinh-xanh-co-hoi-va-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-viet-nam.htm