Bao giờ Việt Nam đạt được NetZezo?
Trong diễn đàn 'Lắng nghe nông dân nói' vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để khơi thông nguồn lực đất đai, phát triển sản xuất xanh.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (NetZezo). Đây vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Đề làm được điều này, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy, cần phải tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung và hội viên nông dân cả nước nói riêng về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa carbon.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết mạnh mẽ này đã được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chính phải tuân thủ cam kết này. Tuy nhiên, phát thải ròng bằng 0 là gì thì vẫn còn là khái niệm mới mẻ, nhất là với nông dân. Thực tế, phát thải ròng bằng 0 là việc trung hòa carbon, là trạng thái mà lượng khí thải khí nhà kính do con người gây ra được cân bằng bởi lượng khí thải được loại bỏ khỏi khí quyển. Điều này có thể được thực hiện bằng cách giảm phát thải hoặc bằng cách loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.
Ước tính, lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm. Điều này đòi hỏi nỗ lực chung tay kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050. Nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp có thể hướng tới cấp chứng chỉ carbon và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các bộ, ngành chức năng đang nỗ lực để xin cấp "visa" cho một loạt các loại trái cây lợi thế của nước ta vào các thị trường lớn trên thế giới.
Việc đàm phán, ký kết để nông sản Việt được nhập khẩu chính ngạch vào các thị trường tiêu chuẩn cao là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, theo ông Nam, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", bản thân nhà nông, doanh nghiệp Việt phải "nhanh tay" tiến tới nông nghiệp "Net Zero" nếu không muốn thụt lùi.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, định hướng chính của NetZezo là thực hiện nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được phê duyệt với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn một triệu ha.
Chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, tức chúng ta quay trở lại những gì cha ông đã làm nhưng với cách tiếp cận mới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, nông nghiệp xanh hay nói rộng hơn là kinh tế xanh đòi hỏi cả thế giới đều phải thay đổi về nhận thức.
Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ, nông nghiệp Việt Nam có rừng hấp thụ carbon. Tức chúng ta giữ được rừng nghĩa là bán được tín chỉ carbon. Năm 2020, khi Việt Nam ký thỏa thuận thành công với Ngân hàng Thế giới (WB) về việc chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính, thu về 51,5 triệu USD.
Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả, mang lại lợi ích cho khoảng 70.000 chủ rừng. Hiện tại, gần 400 tỷ đồng đã được các địa phương chi trả theo đúng quy định. "Để có được điều này, chúng ta mất 8 năm, đây là chặng đường dài, quyết tâm của cả cơ quan nhà nước và Chính phủ Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho việc chúng ta nhận thức sâu sắc của biến đổi khí hậu đến Việt Nam và chúng ta có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện các giải pháp để giảm biến đổi khí hậu. Trong giải pháp này, một trong trụ cột để giảm biến đổi khí hậu ở nước ta là bảo vệ và phát triển rừng, hòa chung với chương trình REDD+ (Giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng)", ông Hà Công Tuấn cho biết.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục chuẩn bị cho các dự án lớn hơn, điển hình là dự án 1 triệu ha lúa gắn với tín chỉ carbon. Đây là một dự án quan trọng nhằm giảm phát thải khí mê-tan - loại khí nhà kính có tác động lớn đến biến đổi khí hậu. Theo thống kê, tín chỉ carbon trong sản xuất lúa hiện chiếm đến 40%, chăn nuôi chiếm 20%, và phần còn lại thuộc các lĩnh vực khác. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của nông nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra tín chỉ carbon và góp phần giảm phát thải toàn diện.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/bao-gio-viet-nam-dat-duoc-netzezo--i751390/