Tái cơ cấu DNNN nhìn từ Tập đoàn Sông Đà
Trái với vai trò được yêu cầu lâu nay rằng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là công cụ điều tiết thị trường và thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, những kinh nghiệm từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, để tái cơ cấu DNNN cần đặt các thực thể này trong cơ chế thị trường.
Cuối tháng 9/2010, ADB đã ký một hiệp định cấp vốn trị giá 630 triệu USD, nhằm hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh cải cách các DNNN. Gói hỗ trợ thứ nhất trị giá 130 triệu USD được dành cho việc hỗ trợ chuyển đổi các công ty thuộc Tập đoàn Sông Đà (tên chính thức là Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Sông Đà làm nòng cốt) và Tổng công ty Đường sông miền Nam.
Ông Ayumi Konishi - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam khi đó, phát biểu rằng: “Với kế hoạch cấp vốn này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp tái cơ cấu nhiều tổng công ty, hình thành nên những nhóm gồm nhiều công ty con có thể hoạt động một cách độc lập, tự đảm bảo được nguồn tài chính từ thị trường vốn mà không phải dựa vào Chính phủ, đáp ứng các điều kiện để sau đó được niêm yết trên thị trường chứng khoán”.
Sau đó, trong một diễn đàn kinh tế do Quốc hội tổ chức, tài liệu phát đi từ ADB cho rằng, với Tập đoàn Sông Đà, khoản tài trợ từ ADB đủ khả năng cơ cấu lại tình hình tài chính của DN này. Và vì các dự án của Sông Đà rất có tiềm năng nên sau khi tái cơ cấu về tài chính, Tập đoàn sẽ tự vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên đến tháng 10/2012, Tập đoàn Sông Đà đã chính thức “giải tán”, trở lại nguyên trạng cách đó khoảng 3 năm, với việc các tổng công ty lại được chuyển giao về trực thuộc bộ chủ quản. Là tập đoàn trình đề án tái cấu trúc đầu tiên vào tháng 12/2011, nhưng với việc giải tán mô hình tập đoàn, kịch bản mà Sông Đà đưa ra có thể coi là đã phá sản?
Trên thực tế, ngay khi Tập đoàn Sông Đà còn chưa hình thành, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về vấn đề này. Trong một hội thảo tổ chức ngay trước khi Tập đoàn Sông Đà được chính thức thành lập, nhiều chuyên gia khi đó cho rằng, việc tập hợp lại nhiều tổng công ty vào một tập đoàn theo kiểu “mệnh lệnh hành chính” sẽ không dễ tạo ra một guồng máy hoạt động thuận lợi hơn.
Thực tế cho thấy, khi mà nhiều DN con “vỡ nợ”, sự hỗ trợ từ phía Tập đoàn Sông Đà, hay giữa các tổng công ty, công ty trong cùng tập đoàn với nhau đã không được thể hiện. Từ trường hợp “giải tán” của Sông Đà, hay của Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (HUD), câu hỏi đặt ra là liệu việc hình thành mô hình tập đoàn phải chăng đã không phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay?
Tất nhiên, có những tập đoàn sống được như Dầu khí, Viễn thông, hay “tạm được” như Xăng dầu, kém hơn như Điện lực... phần lớn số này lại thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước (hay độc quyền tự nhiên?). Ngược lại, số tập đoàn khác phải cạnh tranh “sòng phẳng” như Vinashin, Vinalines... lại không được như vậy.
Nhìn nhận từ kinh nghiệm đầu tiên trong quá trình tham gia tái cấu trúc Sông Đà, một báo cáo của ADB trình bày tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân diễn ra mới đây đã đặt ra một số vấn đề rất đáng suy ngẫm.
Trái với vai trò được yêu cầu lâu nay, rằng các DNNN là công cụ điều tiết thị trường và thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, nhiều nội dung kiến nghị của ADB cho thấy sự cần thiết phải đặt DNNN trong môi trường kinh doanh bình đẳng như các DN khác, trong cạnh tranh thị trường và chịu điều tiết của thị trường. “Cần những cơ chế về chi phí và bồi thường cho DNNN đối với những dịch vụ phi thương mại”, ADB kiến nghị.
Bởi lẽ, trong nền kinh tế Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ công cốt lõi như sân bay, cảng biển, viễn thông, và điện, nước... thường nằm trong tay các DNNN. Khu vực dịch vụ này lại luôn có sự kết hợp giữa hoạt động thương mại thuần túy và hoạt động phi thương mại.
Một điểm đáng chú ý khác là vấn đề xử lý lao động dôi dư sau tái cơ cấu DNNN. Sự khác biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, các DN tư nhân có thể chỉ bằng một quyết định đã có thể giải tán toàn bộ lao động, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh... Thế nhưng điều này với các DNNN không thường xảy ra, thậm chí việc cố giữ lao động ngay trong giai đoạn kinh doanh thua lỗ còn là “niềm tự hào” của khu vực DNNN.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của DN, thực tế đang tạo những áp lực khó vượt qua của quá trình tái cơ cấu DNNN. Báo cáo của ADB lưu ý: “Việc chuyển đổi DNNN đòi hỏi tái phân bổ một bộ phận người lao động. Quá trình này phải được xử lý cẩn thận và chủ động thông qua việc công bố một chính sách rõ ràng đảm bảo cho các biện pháp tái tuyển dụng chủ động và các chương trình giảm thiểu tác động xã hội hiệu quả”.
Hiện tại, Việt Nam vẫn không có những quy định và hướng dẫn rõ ràng để xử lý tình trạng dư thừa lao động tại DNNN. ADB cho rằng, bên cạnh những kế hoạch đào tạo và tiếp nhận nhân viên nòng cốt, Việt Nam cần có những biện pháp đối với những lao động làm việc trong những ngành không cốt lõi phải từ bỏ công việc của mình.
“Vấn đề lao động mất việc làm bắt nguồn từ việc tái cơ cấu các DNNN cần được tiếp cận thông qua các chính sách phân bổ thị trường lao động chủ động, bao gồm nâng cao kỹ năng, tạo công ăn việc làm và đào tạo khởi nghiệp, được hỗ trợ bởi những khoản thanh toán mất việc, nghỉ hưu sớm...”, ADB đề xuất.
Cũng đề cập đến việc quy định cụ thể hơn thế nào là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, hay cần xử lý việc trùng lặp, thiếu quy định cụ thể đối với quản trị DNNN, đặc biệt là tách bạch vai trò chủ sở hữu với quản lý Nhà nước... ADB khuyến cáo: “Việc điều hành kế hoạch tái cơ cấu DNNN là rất phức tạp, nhất là đối với các tổng công ty”.
Vì vậy, sau thời gian chung tay với Chính phủ tái cơ cấu DNNN, ADB cho rằng, để giúp đỡ các công ty định hướng những vấn đề tái cơ cấu phức tạp, Chính phủ nên quan tâm tới việc đặt một nhóm chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch tái cơ cấu.