Tái cơ cấu Ngân hàng SCB bước vào giai đoạn quyết định
Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện phương án cơ cấu lại ngân hàng SCB để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, năm 2025 sẽ xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt ngăn ngừa phát sinh thêm ngân hàng yếu kém mới.
NHNN đã ban hành các quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc (Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Xây dựng - CB, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GPBank) và Dong A Bank, một bước tiến quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng yếu kém.
Qua đó, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.
Báo cáo cho hay, trên cơ sở phương án cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) của nhà đầu tư, NHNN đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu lại SCB.

NHNN đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu lại SCB.
Ngày 18/4, NHNN đã có tờ trình gửi Thủ tướng về việc giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ.
Theo Nghị quyết 25 ngày 29/4 của Chính phủ, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện phương án cơ cấu lại SCB để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Báo cáo cũng cho biết, các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đang tích cực thực hiện các phương án cơ cấu lại theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, về cơ bản, các ngân hàng TMCP tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Các ngân hàng đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn lành mạnh tài chính.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đang nỗ lực xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm soát rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, nhiều ngân hàng mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng, bán lẻ và tín dụng tiêu dùng; Đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng.
Về nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, GPBank, NCBNeo, Vikki Bank và SCB) ở mức 1,88%.
Ngày 15/10/2022, NHNN công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB để ổn định hoạt động của nhà băng này. Đây là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động của Ngân hàng SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.