Tái cơ cấu ngành công nghiệp để tăng sức cạnh tranh
Tái cơ cấu các ngành công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Sơn La tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyên môn hóa, hiện đại hóa sản xuất công nghiệp
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở đã tham mưu với tỉnh định hướng tái cơ cấu các ngành công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với trọng tâm là tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của ngành; rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các khó khăn, rào cản cho phát triển của doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành. Rà soát các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và chương trình đã được phê duyệt. Tăng cường thẩm quyền và năng lực của hệ thống giám sát đối với đầu tư công, tăng cường chấp hành pháp luật, cơ chế chính sách, nâng cao trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát trong đầu tư công.
Tỉnh Sơn La định hướng nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp trong ngành thông qua việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong sản xuất; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm từ công nghệ mới, gia tăng giá trị của sản phẩm công nghiệp. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, các tiêu chuẩn môi trường. Không chấp thuận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, sử dụng tài nguyên và năng lượng không hiệu quả, ô nhiễm môi trường.
Những năm qua, cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh có bước dịch chuyển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chú trọng mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ cao đối với các cơ sở đã có, phát triển thương hiệu thế mạnh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Tiêu biểu như: Đầu tư chiều sâu nâng công suất nhà máy sữa Mộc Châu (chế biến sữa tươi tiệt trùng 100 tấn/ngày, sản xuất sữa chua công suất 30 tấn/ngày...); nâng cấp Nhà máy chế biến đường Mai Sơn công suất lên 5.000 tấn mía cây/ngày; mở rộng và phát triển thêm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL ở Mai Sơn, công suất chế biến 300 tấn tinh bột/ngày...
Theo ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La, chia sẻ: Môi trường đầu tư ở Sơn La thông thoáng, được tỉnh bố trí ở vùng quy hoạch thuận lợi về giao thông, điện và hệ thống cấp nước, bàn giao mặt bằng hơn 18 ha. Công ty đã đưa nhà máy vào hoạt động với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, gấp đôi cam kết đầu tư ban đầu, chuyên chế biến sâu cà phê, đưa sản phẩm cà phê Sơn La xuất khẩu tới thị trường các nước châu Âu, Mỹ.
Hạ tầng khu công nghiệp Mai Sơn, các cụm công nghiệp tại Mộc Châu, Phù Yên từng bước được đầu tư hoàn thiện. Tỉnh đang nghiên cứu để phát triển thêm 1 khu công nghiệp tại Vân Hồ, các cụm công nghiệp tại Thành phố, Thuận Châu, Quỳnh Nhai. Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến phát triển theo hướng chế biến sâu, đa dạng về chủng loại, số lượng, mẫu mã sản phẩm, chất lượng ngày càng được nâng cao phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động tại địa phương. Công nghiệp chế biến nông sản có sự tăng trưởng nhanh qua các năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 68% năm 2018 lên 73% năm 2022, chủ yếu là chế biến các sản phẩm từ: Cà phê, nhãn, xoài, mận, chuối, chanh leo, dứa, sơn tra, chè.
Phát triển công nghiệp điện theo quy hoạch phù hợp, đảm bảo lợi ích phát triển kinh tế - xã hội với môi trường, dân sinh. Đến nay, hệ thống lưới điện của tỉnh đã có 1 trạm biến áp 500 kV, 2 trạm biến áp 220 kV, 34 trạm biến áp 110 kV và khoảng 262,5 km đường dây 500 kV, 236,18 km đường dây 220 kV, 368 km đường dây 110 kV, 5.440 km đường dây trung thế. Trên địa bàn tỉnh có 60 nhà máy thủy điện vận hành phát điện, trong đó có 3 nhà máy thủy điện lớn: Thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến I, Thủy điện Huội Quảng và 57 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp máy 3.790,5 MW. Triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án đầu tư cấp điện nông thôn, cấp điện cho khoảng 34.000 hộ, nâng tỷ lệ số hộ được sử dụng điện từ 96,0% năm 2018 lên 98,8% năm 2022.
Hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp, công nghiệp chế biến chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhất là công nghiệp chế biến hàng nông lâm sản; một số sản phẩm công nghiệp chế biến tiêu thụ chậm; hoạt động xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch còn gặp khó khăn, còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp thu gom, xuất khẩu ngoài tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp đã được hình thành, song việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ.
Khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng lợi thế, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Sơn La cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, trí tuệ và giá trị gia tăng của sản phẩm. Xây dựng Sơn La thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường; công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản và dược liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, năng lượng mặt trời; công nghiệp dệt may, da giày ưu tiên phát triển ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, điện tử, năng lượng tái tạo, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, sử dụng nhiều nguyên liệu của tỉnh, phụ kiện trong nước, sử dụng nhiều lao động địa phương, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có, đồng thời phát triển các cụm công nghiệp tại Thuận Châu, Thành phố, Quỳnh Nhai, khu công nghiệp Vân Hồ để thu hút đầu tư các nhà máy công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, công nghiệp công nghệ cao...
Phát triển ngành công nghiệp điện và thủy điện; đẩy mạnh công tác thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực thủy điện nhỏ, điện gió. Tiếp tục đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp cung cấp lưới điện quốc gia cho các hộ dân, nhất là các hộ tại các bản chưa có điện, phấn đấu tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%. Khuyến khích phát triển các nghề và xây dựng mô hình một số làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô nhóm hộ gia đình, hướng vào sản xuất hàng tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với nông nghiệp và nông thôn; lựa chọn các sản phẩm và doanh nghiệp có năng lực để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Sở tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh trở thành động lực cho thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đầu tư. Cải cách tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành; tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững.
Với định hướng và các giải pháp hiệu quả, việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp của tỉnh Sơn La sẽ chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.