Tái diễn ngộ độc 'thuốc gia truyền ba đời'

Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) cảnh báo phenformin là một thuốc điều trị đái tháo đường không còn được cấp phép lưu hành trên thế giới do gây tử vong

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nỗ lực cứu sống người đàn ông (43 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) bị ngưng tim 2 lần sau khi sử dụng thuốc gia truyền để trị đái tháo đường mua trên mạng nghi có chứa thành phần phenformin.

"Thần chết" lướt qua

Theo thông tin người nhà, người đàn ông này mắc bệnh đái tháo đường, được bác sĩ chỉ định điều trị bằng đường chích song bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị mà mua thuốc gia truyền trị đái tháo đường về uống. Sau đó, ông đau bụng dữ dội, được đưa đi cấp cứu, trong lúc xét nghiệm máu đột ngột ngưng tim 2 lần tưởng chừng không còn hy vọng. Phải mất nửa tháng điều trị, lọc máu, thở máy, sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch, bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch.

Trước đó, một trung tâm y tế ở Nghệ An cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân (40 tuổi) cấp cứu trong tình trạng suy gan, suy tủy xương do sử dụng thuốc trên mạng để điều trị bệnh. Người này có tiền sử bị đau khớp và viêm mũi. Nghe lời truyền tai nhau về loại thuốc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội rất tốt, bà mua những gói bột với giá chỉ 10.000 đồng/gói về để điều trị, những ngày đầu uống thuốc cảm thấy triệu chứng bệnh giảm rất nhanh. Tuy vậy, 20 ngày sau bà bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sưng đau phù môi, miệng; vùng mặt, cổ nổi ban đỏ; đau họng, ngực. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc, suy gan, suy tủy xương, thiếu máu giảm 3 dòng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, viêm loét dạ dày và tụt huyết áp.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cũng vừa cấp cứu thiếu nữ 17 tuổi ở Bắc Giang sau khi sử dụng thuốc mua trên mạng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng. Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Cách nhập viện 5 ngày, bệnh nhân nổi mụn nước nhiều ở vùng lưng, ngực không rõ nguyên nhân, kèm theo sốt và mệt nhiều. Người nhà cho hay đã mua thuốc nam quảng cáo là thuốc gia truyền về sắc cho uống nhưng không đỡ, được đưa vào cơ sở y tế gần nhà điều trị trước khi chuyển viện. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện khi sốt cao 40-41 độ C, đau nhiều vùng thắt lưng, không đi lại được, bụng chướng căng, bí trung đại tiện và xuất hiện nhiều mụn mủ trên da.

Tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP HCM không ít lần thực hiện xét nghiệm, phân tích mẫu do bệnh viện gửi tới với các loại thuốc dạng gia truyền trị bệnh đái tháo đường chứa thành phần phenformin với hàm lượng rất cao. Vụ gần đây là hàm lượng phenformin có trong một viên hoàn tới 25,85 mg.

Các chuyên gia cảnh báo phenformin là chất đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Việc sử dụng thuốc có thành phần phenformin ban đầu sẽ làm bệnh nhân hạ đường huyết. Tuy nhiên, thuốc hay gây biến chứng và thường là các biến chứng nặng nề, dẫn đến khả năng tử vong rất cao nếu như bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế có các điều kiện về hồi sức tích cực chuyên sâu.

Bệnh nhân đang điều trị ngộ độc thuốc chứa phenformin. Ảnh: NGỌC DUNG

Bệnh nhân đang điều trị ngộ độc thuốc chứa phenformin. Ảnh: NGỌC DUNG

Nở rộ "thần y" trên Facebook, YouTube

Theo các bác sĩ, những chiêu quảng cáo cam kết khỏi bệnh hoàn toàn bằng kiểu "thuốc gia truyền nhà tôi ba đời" sau một thời gian tạm lắng thì nay tiếp tục tái diễn với những hình thức quảng cáo na ná, khiến không ít người lại dính bẫy.

Những quảng cáo "nhà tôi ba đời chữa bệnh xương khớp, tiểu đường, viêm gan…" sau đó "cam kết khỏi bệnh", "khỏe mạnh đến già"... được đăng tải trên Facebook, YouTube, TikTok dù đã được các bác sĩ và chuyên gia cảnh báo nhiều lần vẫn khiến không ít người dính bẫy. Nguyên nhân là do các quảng cáo này đánh trúng vào tâm lý bệnh nhân, không cần phải đi khám, xét nghiệm, lại là thuốc y học cổ truyền, không độc hại, không có phản ứng phụ, rồi "không bổ ngang cũng bổ dọc" nên nhiều người đã chi tiền để mua uống thử "xem hiệu quả thế nào". Các chuyên gia cũng cảnh báo các quảng cáo này lừa đảo rất tinh vi, thậm chí có những video quảng cáo rao bán thuốc chữa bệnh tiểu đường luôn có cố vấn là một giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ lừng danh được đề cập tới và hình ảnh của người này cũng được đưa lên video. Thậm chí, khi điện thoại đến đường dây tư vấn, có người tiếp nhận câu hỏi và hứa hẹn sẽ chuyển câu hỏi tới cho giáo sư sớm nhất. Không những thế, các đối tượng còn làm giả trang web của nhiều ngôi chùa, với sư thầy là lương y nổi tiếng chia sẻ những bài thuốc dân gian cho nhân dân.

Theo các chuyên gia y tế, thuốc y học cổ truyền ngày càng được nhiều người sử dụng để bồi bổ sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc Tây y, khi sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến "tiền mất tật mang", thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng của người sử dụng. Điều đáng nói hiện tượng "thầy thuốc trên mạng" tiếp tục nở rộ với các bài thuốc gia truyền trị dứt điểm hoàn toàn bệnh, không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm.

PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết y học cổ truyền có rất nhiều loại thuốc hiệu quả để chữa bệnh. Tuy nhiên, mỗi người bệnh có một cơ địa, mạch lý và các triệu chứng khác nhau, nên sẽ sử dụng một bài thuốc khác so với người cùng được chẩn đoán một bệnh. "Với những bài thuốc từ "thần y" trôi nổi trên mạng, cũng chưa có ai kiểm chứng về tác dụng của các loại thuốc này. Đôi khi, sự cả tin của người bệnh có thể mang lại những hậu quả khôn lường cho chính bản thân họ. Trong quá trình khám chữa bệnh của mình, tôi đã tiếp nhận những bệnh nhân sau khi uống nhầm thuốc dỏm có thể bị suy thận, suy gan, dị ứng thuốc, hoặc bệnh trở nặng hơn. Thậm chí có những trường hợp suy hô hấp, ngừng tim" - PGS Cảnh lưu ý.

Theo PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, thuốc chữa bệnh được xem là một loại hàng hóa đặc biệt vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Chính vì thế, việc điều chế, mua bán các loại thuốc và sử dụng trong khám, chữa bệnh được nhà nước quy định rất chặt chẽ. Dù là thuốc gia truyền thì vẫn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt theo luật định để bảo đảm chất lượng rồi mới được bán ra thị trường. "Những hoạt động quảng cáo sai quy định này cần phải nghiêm trị bởi đây là những hoạt động hết sức nguy hiểm đối với xã hội" - ông Cảnh bức xúc.

PGS-TS Trần Việt Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP HCM, cảnh báo hiện nay phenformin vẫn bị sử dụng để trộn vào các chế phẩm y học cổ truyền lưu hành bất hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. "Người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý" - PGS Hùng khuyến cáo.

Ngộ độc “thuốc gia truyền ba đời” đang tái diễn. Ảnh: NGỌC DUNG

Ngộ độc “thuốc gia truyền ba đời” đang tái diễn. Ảnh: NGỌC DUNG

Rước họa vì quảng cáo

Các chuyên gia lưu ý đối với người bệnh mạn tính nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, việc dùng thuốc phải hết sức thông minh và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối chớ nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn hay tin những quảng cáo trên mạng xã hội, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, làm các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nhiễm lactic nguy hiểm chết người.

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tai-dien-ngo-doc-thuoc-gia-truyen-ba-doi-19624082820301849.htm