Tai hại khi dùng lại đơn thuốc

Việc tự ý mua thuốc không theo đơn có thể khiến bệnh không khỏi mà diễn biến nặng thêm, thậm chí gây dị ứng thuốc và nguy hiểm đến tính mạng.

Một số người có thói quen dùng lại đơn thuốc dẫn đến nhờn thuốc, cơ thể kháng thuốc hay thậm chí sinh bệnh từ đơn thuốc không phù hợp.

Thói quen dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ

Kháng thuốc không chỉ là hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi mà còn là nỗi sợ hãi của các bác sỹ khi phác đồ điều trị không đạt hiệu quả. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng đều có diễn tiến rất nặng, khiến y bác sĩ khó khăn khi lựa chọn phác đồ điều trị, thậm chí bất lực trong cứu chữa bệnh nhân.

Anh Nguyễn Văn Dũng (phường Phú Diễn, TP. Hà Nội) cho biết: “Tôi nghĩ cũng sẽ có lúc kháng thuốc, nhưng đến bệnh viện thì ngại nên tôi thường ra hiệu thuốc họ kê đơn luôn”.

Tương tự, bà Đặng Thị Tuyết (phường Tây Tựu, TP. Hà Nội) cũng cho rằng: “Mình kể triệu chứng thì họ sẽ tự kê thuốc bán cho mình. Đến cơ sở y tế lại mất cả buổi, bất tiện”.

Hậu quả khi tự ý sử dụng thuốc chữa bệnh

Bong tróc, nổi mẩn, ngứa toàn thân, sưng, phù nề khắp cơ thể… là biến chứng của một bệnh nhân tại phường Hà Đông sau khi tự ý mua thuốc về điều trị bệnh đau nhức xương khớp. Song vì được đưa vào cấp cứu sớm, những biến chứng này không gây nguy hiểm cho tính mạng, thế nhưng có lẽ đây sẽ là bài học không bao giờ quên đối với bệnh nhân này. Không chỉ gây những hệ lụy tức thì, việc tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh còn để lại những hậu quả nặng nề hơn.

Một bệnh nhân khác bị đau lưng nhưng không đi khám, tự mua kháng sinh về để tiêm vào vị trí đau. Sử dụng kháng sinh nhiều ngày khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết và nhiễm tụ cầu vàng. Bệnh nhân phải mở nội khí quản, thở máy. Điều mà các bác sỹ lo ngại là tình trạng kháng kháng sinh do nhiễm tụ cầu vàng.

Bác sĩ Nguyễn Bá Cương - Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Do bệnh nhân đau lưng nhiều nhưng không đi khám, tự dùng thuốc kháng sinh và nhờ người đến châm cứu. Vì vậy vi khuẩn từ đường truyền, đường tiêm, châm cứu đi vào máu và lan khắp nơi cơ thể. Đặc biệt đi đến tim dẫn đến thủng van tim, sùi van tim. Hiện tại, bệnh nhân phải mổ để thay van tim và rất nhiều cấu trúc tim để kéo dài sự sống và chờ đợi kháng sinh diệt tụ cầu vàng”.

Theo các bác sĩ, việc người bệnh tự ý mua thuốc điều trị không theo đơn, hoặc sử dụng thuốc theo đơn cũ, thậm chí là đơn thuốc của người khác khá phổ biến hiện nay. Điều này khiến bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, thậm chí có thể gây nên dị ứng thuốc, và nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho rằng: “Mỗi người có cơ địa khác nhau và đáp ứng thuốc khác nhau, nên các bệnh nhân không được sử dụng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác".

Tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nghe theo lời chữa bệnh từ nhiều người là một thực trạng đáng báo động tại Việt Nam, nhất là thuốc kháng sinh. Hệ lụy không chỉ làm gia tăng kháng thuốc, mà đôi khi người bệnh còn phải trả giá bằng chính sức khỏe và tính mạng của mình.

Khuyến cáo của chuyên gia y tế

Để có một đơn thuốc cho người bệnh, các bác sĩ sẽ phải thăm khám, chẩn đoán dựa trên cơ địa, tình hình bệnh tật và bệnh nền của người bệnh hay tiền sử dị ứng của bệnh nhân. Điều này có nghĩa, mỗi đơn thuốc sẽ được cá thể hóa cho từng bệnh nhân cụ thể. Việc sử dụng lại đơn thuốc của người khác là không phù hợp, bởi nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe là không thể đoán trước, nhất là với những bệnh nhân có bệnh nền.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Dựa trên kết quả khám, kết quả xét nghiệm, bác sĩ mới đưa ra được đơn thuốc phù hợp với bệnh nhân. Đơn thuốc có tính cá thể hóa rất cao với người bệnh đó, do đó chỉ phù hợp với người bệnh cụ thể đã được bác sĩ thăm khám và đã kê đơn. Nếu dùng cho bệnh nhân khác là hoàn toàn không phù hợp”.

Cũng theo các bác sĩ, thói quen cứ ho, sốt, hoặc có những triệu chứng bất thường sẽ tự ý mua kháng sinh dùng là điều vô cùng nguy hiểm, không chỉ khiến người bệnh kháng thuốc, nhờn thuốc mà hiệu quả điều trị còn không đạt được; thậm chí còn tạo môi trường cho vi khuẩn kháng thuốc sinh sôi và kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh điều trị.

“Kháng thuốc ở Việt Nam là tình trạng đáng báo động bởi vi khuẩn đã được rèn luyện khả năng chống đỡ với kháng sinh. Do đó, bệnh nhân sẽ phải dùng những kháng sinh rất đắt tiền, làm tăng chi phí điều trị. Việc đáp ứng kém như vậy còn làm bệnh lý của người bệnh rất nặng và nguy hiểm, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong”, nguyên Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, có khoảng 88% người dân sử dụng thuốc không kê đơn, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực. Hệ lụy: trung bình mỗi năm có khoảng 70.000 người tử vong liên quan đến kháng thuốc. Con số này có thể tăng lên 10 triệu người vào năm 2050 và nếu không sớm có giải pháp, Việt Nam sẽ đối mặt với việc không có kháng sinh để điều trị bệnh.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tai-hai-khi-dung-lai-don-thuoc-348583.htm