Tái hiện ký ức đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

Tối 1/9, tại Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng với thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm ký hiệp định Giơnevơ và chuyến tàu tập kết...

Tái hiện hình ảnh nhân dân Thanh Hóa đón tiếp đồng bào, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954

Tái hiện hình ảnh nhân dân Thanh Hóa đón tiếp đồng bào, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954

Cầu truyền hình kết nối Thanh Hóa, Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại ký ức của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của đất nước.

Tại điểm cầu Thanh Hóa chương trình được tổ chức tại khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn

Tại điểm cầu Thanh Hóa chương trình được tổ chức tại khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn

Chương trình Cầu truyền hình gồm 3 phần.

Phần I: "Đi vinh quang - Ở anh dũng" là sự gặp gỡ các nhân chứng với những hồi ức về những lời nhắn gửi ngày chia tay.

Phần II kể về ký ức một hành trình và sự đón tiếp nghĩa nặng tình sâu của đồng bào Thanh Hóa, thể hiện là một hậu phương lớn đón tiếp những người con miền Nam bằng cả trái tim.

Phần III là những thước phim về hành trình tiếp nối của những hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng hoa cho đại biểu.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng hoa cho đại biểu.

Cách đây tròn 70 năm, Hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.

Tháng 8/1954, sau khi Hội đồng Chính phủ thông qua Đề án tổ chức Ban đón tiếp đồng bào, cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết. Tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ cùng với các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thực hiện chỉ đạo, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập ban đón tiếp và lập điểm tập kết tại bến Sầm Sơn, nay là khu vực cửa Lạch Hới (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới năm 1954. Ảnh: tư liệu.

Đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới năm 1954. Ảnh: tư liệu.

Tỉnh Thanh Hóa khi đó cũng là địa phương đầu tiên đón đồng bào miền Nam. Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 - 5/1955), tỉnh Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, với tổng 56.486 người. Trong đó, có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh; và 1.443 người thân cán bộ.

Để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào tập kết, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng một bệnh viện dã chiến quy mô 800 giường; thành lập ở Sầm Sơn một trạm cấp cứu; thành lập 2 trạm khám sức khỏe ở các xã Hoằng Lộc, Hoằng Quang (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa); thành lập bệnh xá ở xã Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tập kết, đặc biệt là cho đồng bào từng bị thực dân cầm tù, tra tấn ở nhà lao Chí Hòa.

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại 3 điểm cầu tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước.

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại 3 điểm cầu tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước.

Sau công tác đón tiếp, ổn định sức khỏe cho từng người, đồng bào miền Nam đã được đưa đến các tỉnh, thành của miền Bắc, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác. Đối với đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, đã được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa bố trí, sắp xếp công ăn việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài.

Lịch sử 70 năm qua, rất nhiều người là đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc ngày đó, đã và đang là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhiều người là các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, diễn viên, sĩ quan cao cấp, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân thành đạt... đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Phát biểu trong chương trình cầu truyền hình, ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Thường trực Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, đại diện cho đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, đã bày tỏ lời cảm ơn tới tới đồng bào miền Bắc, đặc biệt là cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã hết lòng, hết sức vì đồng bào miền Nam dù hoàn cảnh khi đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ông Trương Hòa Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, phát biểu

Ông Trương Hòa Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, phát biểu

"Hôm nay là dịp may mắn để tôi có thể thay mặt các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc, xin được bày tỏ lòng tri ân của mình với Đảng, Chính phủ và nhân dân miền Bắc. Sự kiện đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc không chỉ được ghi trong sử sách mà đã được thể hiện trong thực tế, qua hình ảnh Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra bắc tại TP.Sầm Sơn. Sự đón tiếp, chăm sóc chu đáo đối với đồng bào miền Nam 70 năm trước là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ và tình cảm của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam", nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói.

Nhân dân nhiều địa phương tại Thanh Hóa đã đóng góp nhu yếu phẩm để hỗ trợ đồng bào tập kết trong thời gian ở lại tỉnh như: Nhân dân huyện Nông Cống và huyện Đông Sơn ủng hộ 600 con bò, 700 con lợn, 15.000 con gà vịt, 12 vạn quả trứng; nhân dân các huyện Nga Sơn, Quảng Xương ủng hộ 8.384 đôi chiếu; nhân dân các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định ủng hộ 2.800 màn cá nhân, 1.000 màn đôi, 4.100 mền chăn, và 1.450 cốt áo bông. Ngoài ra, nhân dân tỉnh Thanh Hóa còn ủng hộ đồng bào miền Nam tổng cộng 49.000 bộ quần áo, 6.161 đôi dép cao su và hàng ngàn tấn thực phẩm.

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tai-hien-ky-uc-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ra-bac.htm