Tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở Khánh Hòa
Việc tổ chức phục dựng lễ ăn mừng đầu lúa mới là một hình thức để giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai.
Chiều 12/8, trong chương trình Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III năm 2024, tại thác Tà Gụ, đã diễn ra chương trình tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai.
Hoạt động do các nghệ nhân ở xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) thực hiện, nhằm mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách về truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc Raglai khi đến với Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn.
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Raglai sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, canh tác trên các thung lũng hay trên đồi cao. Người Raglai có tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh; mỗi loại cây đều có linh hồn, có thần linh canh giữ và che chở…
Lễ ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai được tổ chức nhằm đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất, đồng thời để nhớ ơn, cảm tạ thần linh đã ban cho vụ mùa tươi tốt, bội thu và cầu khấn thần linh sẽ tiếp tục ban cho nhiều điều tốt đẹp hơn trong những vụ mùa tới.
Nghi lễ này được tổ chức theo 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm/lần, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Thông thường lễ này sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất trong năm, rơi vào tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm.
Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới của người dân tộc Raglai được tái hiện tại cột cái của nhà dài. Lễ vật được chuẩn bị để dâng lên thần linh gồm: Một mâm cơm, một nồi canh bồi tổng hợp, một con heo, bốn con gà, một bó lúa mới, một ché rượu cần và các bát cơm.
Những lễ vật này thể hiện trong một năm qua gia chủ ăn nên làm ra, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Các nghi lễ này được tổ chức trang trọng, thể hiện sự quý giá các hạt thóc, hạt lúa mà con người đã làm nên.
Khai lễ, thầy cúng bắt đầu nghi lễ. Lời khấn cúng có nội dung tạ ơn ông bà tổ tiên, thần bắp, thần lúa đã phục vụ cho gia đình có cuộc sống đầy đủ, người chủ nhà chúc phúc, chúc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và cầu cho mùa vụ tiếp theo mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình mạnh khỏe hạnh phúc.
Khi làm lễ cúng, có các làn điệu mã la hòa vào lời văn cúng lễ mang âm hưởng của núi rừng, phản ánh sự sáng tạo của con người kết hợp giữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc Raglai.
Sau khi cúng xong, chủ nhà sẽ mời từng người trong đội mã la và những người khách thưởng thức rượu cần, chung vui mùa lúa mới.
Tham dự chương trình tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới, người dân và du khách được trải nghiệm bầu không khí lễ hội với những làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống của đồng bào Raglai như: Xuri, madiêng, đàn đá, mã la, đàn chapi, kèn bầu, sáo ta cung…