Tái hiện Tết Việt trên phố cổ Hà Nội
Nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa 'Mừng Đảng - mừng Xuân' chủ đề 'Tết Việt - Tết phố 2024', bắt đầu từ ngày 25/1 kéo dài đến 28/2.
Nhiều không gian thấm đẫm văn hóa Tết xưa
Một trong những điểm nhấn của chương trình khai mạc là nghi thức dâng lễ cửa đình và dựng cây nêu. Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức đoàn rước từ Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây đi qua nhiều tuyến phố, di tích với điểm đến là đình Kim Ngân (số 42 - 44 phố Hàng Bạc). Tại đây, Ban Tổ chức sẽ tiến hành các nghi lễ: Dâng lễ cửa đình, Cáo yết Thành hoàng và cúng Tổ nghề… và nghi lễ dựng cây nêu truyền thống của người Việt khi Tết đến, Xuân về.
Không gian đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) được trang trí thành không gian Tết truyền thống theo chủ đề 12 con giáp. Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa sẽ có buổi nói chuyện về Tết của đồng bào Tày, Nùng; về thú chơi hoa thủy tiên…
Với những du khách muốn tìm hiểu Tết của người Hà Nội xưa có thể tìm đến Ngôi nhà di sản (số 87 phố Mã Mây). Tại đây, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa. Vào ngày 3/2, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động gói và luộc bánh chưng.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ) sẽ là nơi tái hiện không gian Tết truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ với chủ đề “Nếp nhà xưa” và trưng bày các sản phẩm tranh, gốm…, biểu diễn âm nhạc truyền thống và tọa đàm về Tết truyền thống của người Việt.
Các địa chỉ văn hóa khác trong khu phố cổ như: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm), đình Đồng Lạc (số 38 phố Hàng Đào), Trung tâm Thông tin di sản phố cổ (số 28 phố Hàng Buồm)… cũng trở thành những địa chỉ giới thiệu về văn hóa Việt, thú chơi hoa, về các phong tục ngày Tết.
Từ ngày 25/1 đến ngày 9/2 (tức ngày 15 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão), tại không gian bích họa phố Phùng Hưng, các nghệ nhân và thợ thủ công sẽ giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống, như tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he…
Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết, chương trình “Tết Việt - Tết phố 2024” không chỉ góp phần tạo không gian điểm đến cho người dân và du khách vui chơi trong dịp Tết Giáp Thìn mà còn nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung.
Trải nghiệm biệt thự cổ Hà Nội
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, đơn vị quyết định mở cửa biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo cho khách tham quan từ ngày 26/1/2024 nhằm tăng thêm trải nghiệm cho du khách.
Được biết, hiện công tác trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đã cơ bản hoàn thành. Ban Quản lý quyết định mở cửa biệt thự này đón khách tham quan từ 26/1 với hoạt động trưng bày đầu tiên về quá trình trùng tu, cải tạo ngôi biệt thự. Ngoài các hình ảnh ghi lại quá trình trùng tu, trưng bày còn giới thiệu một số hiện vật như cấu kiện gỗ cũ của ngôi biệt thự, đôi găng tay của người thợ.
Theo bà Trần Thúy Loan, ngôi biệt thự là một kiến trúc Pháp điển hình của Hà Nội. Ban Quản lý mong muốn người dân và du khách hiểu hơn về những kiến trúc đặc trưng làm nên vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội.
Ngoài ra, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng đang xây dựng các kế hoạch để đưa vào sử dụng ngôi biệt thự này một cách hiệu quả với những hoạt động mang tính thường xuyên hơn, để địa chỉ này trở thành điểm đến của người dân và du khách.
Ban Quản lý dự báo, biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sẽ sớm trở thành một điểm tham quan, “check-in” ưa thích của đông đảo bạn trẻ giống như Trung tâm Văn hóa 22 Hàng Buồm thời gian qua sau khi cải tạo xong.
Đến nay, sau khoảng một năm trùng tu lớn với sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp, biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sắp hoàn thành cải tạo. Biệt thự này từng gây tranh cãi lớn trên truyền thông về màu vôi khi cải tạo. Các chuyên gia Pháp khẳng định, ngôi biệt thự được tôn tạo, bảo tồn theo đúng màu sơn gốc. Vì thế, quận Hoàn Kiếm bảo lưu quan điểm bảo tồn đúng màu vôi gốc.
Việc mở cửa biệt thự 49 Trần Hưng Đạo nằm trong chuỗi chương trình “Tết Việt - Tết phố 2024” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tai-hien-tet-viet-tren-pho-co-ha-noi-post502858.html