Tái khởi động các dự án 'ngủ quên'

Nhiều dự án bất động sản 'đắp chiếu' đang dần hồi sinh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là sau khi bộ ba luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản có hiệu lực.

Tái khởi động các dự án bất động sản từng "đắp chiếu" được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để vực dậy thị trường.

Tái khởi động các dự án bất động sản từng "đắp chiếu" được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để vực dậy thị trường.

Nhiều dự án triển khai trở lại

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường bất động sản Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối 2024 và đầu 2025, sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai có hiệu lực.

Sau thời gian dài im ắng, hàng loạt dự án bất động sản được mở bán trở lại. Dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội) do Công ty TNHH đầu tư bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư từng được mở bán vào năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2024. Tuy nhiên, khi thi công đến tầng 5 dự án này đã tạm dừng từ đó cho đến nay. Mới đây, dự án được quảng bá rầm rộ trở lại với mức giá bán lên đến hơn 70 triệu đồng/m2.

Dự án Vicem Tower sau nhiều năm đứng im cuối cùng cũng đã được "thắp sáng" trở lại. Với sự chấp thuận của Chính phủ, Tổng công ty Xi măng Việt Nam đang tích cực triển khai các thủ tục để khởi động lại công trình này. Dự kiến, tòa tháp 31 tầng nổi và 4 tầng hầm sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Việc tái khởi động dự án không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực Cầu Giấy mà còn khẳng định sự quyết tâm của chủ đầu tư trong việc tạo dựng một biểu tượng mới cho Thủ đô.

Thị trường bất động sản phía Nam đang chứng kiến những động thái tích cực khi các dự án lớn từng "đắp chiếu" bắt đầu được khởi động lại. Điển hình là Khu đô thị Ecity Tân Đức của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, doanh nghiệp này đã được gia hạn thêm 12 tháng để tiếp tục triển khai dự án vốn đình trệ từ năm 2008.

Theo kế hoạch, Ecity Tân Đức sẽ tập trung đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật trong năm nay, đồng thời tìm kiếm các đối tác để đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự kiến, việc hoàn thiện toàn bộ khu đô thị sẽ mất từ 3-5 năm nữa.

Song song đó, tại miền Trung, dự án Cocobay Đà Nẵng cũng đang rục rịch trở lại sau thời gian dài tạm dừng. Chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành các phân khu đầu tiên vào năm 2025 và dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2028.

Việc các "ông lớn" bất động sản đồng loạt tái khởi động các dự án lớn trong bối cảnh giá nhà chung cư liên tục tăng cao đang thu hút sự quan tâm lớn của thị trường. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, mặc dù giá nhà tăng nhưng giao dịch thực tế lại khá trầm lắng. Nguyên nhân chính được cho là do giá nhà hiện tại đang quá cao so với thu nhập của người dân, trong khi kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu cải thiện.

Tái khởi động đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các dự án bất động sản "đắp chiếu" đang dần hồi sinh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, nới lỏng điều kiện vay vốn và đặc biệt là việc ban hành bộ ba luật quan trọng về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, áp lực từ quy định mới về thu hồi đất đối với các dự án "án binh bất động" cũng thúc đẩy các chủ đầu tư nhanh chóng tìm kiếm giải pháp để tái khởi động. Song song đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án giữa các doanh nghiệp cũng đang diễn ra sôi động, góp phần giải quyết tình trạng "đắp chiếu" này.

"Việc tái khởi động các dự án bất động sản từng "đắp chiếu" được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để vực dậy thị trường. Tuy nhiên, con đường hồi sinh của những dự án này không hề bằng phẳng. Bên cạnh những rào cản pháp lý đã được nỗ lực tháo gỡ, áp lực tài chính đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các chủ đầu tư phải đối mặt. Nhiều dự án, dù đã được "hồi sinh", vẫn không thể thành công do thiếu vốn để tiếp tục triển khai", TS. Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng sau thời gian dài bỏ hoang. Việc phục hồi các công trình này đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn, khiến nhiều chủ đầu tư rơi vào tình thế khó khăn. Thêm vào đó, chi phí tài chính phát sinh trong quá trình tạm dừng dự án đã "ăn mòn" đáng kể lợi nhuận dự kiến ban đầu.

TS Nguyễn Văn Đính cảnh báo, để bù đắp những khoản lỗ này, không ít chủ đầu tư đã buộc phải tăng giá bán sản phẩm lên gấp đôi so với mức giá ban đầu. Tuy nhiên, việc tăng giá quá đột ngột, trong khi chất lượng dự án không được cải thiện đáng kể, đã khiến nhiều dự án "ế ẩm" trở lại, thậm chí "đắp chiếu" lần nữa.

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản đang bị "treo" do vướng mắc pháp lý, bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Việc rà soát, thống kê và phân loại các dự án theo mức độ ưu tiên là hết sức cần thiết. Các tiêu chí như quy mô dự án, tác động đến kinh tế - xã hội, năng lực của chủ đầu tư... sẽ giúp xác định rõ đâu là những dự án cần được ưu tiên giải quyết trước tiên.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, rút gọn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bằng cách này, không chỉ giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại mà còn góp phần ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của người dân.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tai-khoi-dong-cac-du-an-ngu-quen-156938.html