Tài liệu mật: Tên lửa Trung Quốc xuyên thủng được hệ thống phòng thủ Mỹ
Mỹ đánh giá cao khả năng một vũ khí siêu thanh Trung Quốc xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nước này.
Số tài liệu tình báo mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây không chỉ nói đến Ukraine và Nga mà còn cung cấp cái nhìn về những hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc.
Đáng chú ý, theo truyền thông Mỹ, một tài liệu đề cập chi tiết vụ thử phương tiện lướt siêu thanh DF-27 của Trung Quốc ngày 25-2.
Phương tiện này bay 2.100km trong vòng 12 phút, với khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ được đánh giá ở mức cao. Vào năm ngoái, chính phủ Mỹ cho biết Bắc Kinh đang phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa DF-27 (tầm bắn 5.000 - 8.000km).
Theo các chuyên gia, tên lửa sử dụng phương tiện lướt siêu thanh được thiết kế để bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh, khiến việc bắn hạ chúng là gần như không thể. Trung Quốc được xem là một trong những quốc gia có chương trình phát triển vũ khí siêu thanh tiên tiến nhất thế giới.
Ngoài ra, một tài liệu khác nhắc đến cuộc tập trận của tàu chở trực thăng Yushen LHA-31 thuộc hải quân Trung Quốc. Tàu này được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng chiến dịch quân sự tiềm tàng nhằm vào Đài Loan (Trung Quốc).
Chưa hết, Washington được cho là đang giám sát động thái mở rộng hiện diện quân sự của Bắc Kinh ở nước ngoài. Chẳng hạn như tài liệu lưu ý Nicaragua đang thương thảo với một công ty Trung Quốc về việc xây dựng cảng nước sâu tại quốc gia vùng Caribbean này.
Cũng theo tài liệu mật, các cơ quan tình báo Mỹ biết đến hoạt động của 4 khinh khí cầu "do thám" Trung Quốc. Trong số này, họ không biết rõ năng lực thật sự của chiếc bay qua lãnh thổ Mỹ đầu năm nay, được gọi là Killeen-23 và bị bắn hạ không lâu sau đó.
Một số tài liệu khác tìm cách đánh giá khả năng Trung Quốc cung cấp viện trợ cho Nga. Có nhận định cho rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh và sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cho Moscow nếu Ukraine tấn công vị trí có giá trị chiến lược cao hoặc nhằm vào giới lãnh đạo Nga.
Trong một bài viết trên WeChat, ông Hu Xijin, cựu tổng biên tập tờ Global Times, cho rằng nhiều tài liệu bị rò rỉ được dựa trên tình báo tín hiệu, qua đó cho thấy Mỹ dựa vào phương tiện kỹ thuật để thu thập thông tin về Trung Quốc.