Tai nạn điện giật trong mùa mưa bão và cách sơ cứu đúng

Cứ đến mùa mưa bão, các sự cố lưới điện, tai nạn điện có thể xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản. Một số sự cố thường gặp là nghiêng và đổ cột điện, đứt dây dẫn điện, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các cột điện…

Bên cạnh đó, nhiều sự cố do bão làm đổ cây cối vào lưới điện, gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ cuốn vào dây dẫn điện. Nếu người dân sơ ý đi vào nơi có lưới điện bị sự cố có thể bị tai nạn điện giật. Chưa kể, nước dâng gây ngập có thể làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh.

Các tổn thương khi bị điện giật

Khi bị điện giật, nạn nhân có thể bị bắn ra xa vài mét gây chấn thương hoặc nạn nhân nhân bị dính chặt vào nơi bị truyền điện, cần đề phòng bệnh nhân ngã ra gây thêm các chấn thương khi cắt điện.

Nạn nhân có thể bị:

Ngưng tim phổi: Bệnh nhân có thể ngừng thở trước rồi ngưng tim sau, ngừng tim thường do rung thất.
Bỏng: Có thể do dòng hiệu điện thế cao, đôi khi rất nặng nếu điện thế càng cao và thời gian tiếp xúc càng dài. Vết bỏng không đau, không chảy máu, không chảy nước, không làm mủ, nơi đi vào thường có ranh giới rõ hình tròn hoặc oval. Bỏng đôi khi do sự di chuyển của dòng diện, gây bỏng sâu, khó đánh giá khi nhìn từ bên ngoài.
Gãy xương: Chú ý cột sống và ngực.

Cứ đến mùa mưa bão, các sự cố lưới điện, tai nạn điện có thể xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản.

Cứ đến mùa mưa bão, các sự cố lưới điện, tai nạn điện có thể xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản.

Xử trí khi bị điện giật

Khi phát hiện người bị điện giật phải nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách:

Ngắt thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, CB) hoặc rút phích cắm, cầu chì…
Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa... tách nạn nhân ra khỏi dòng điện.

Lưu ý: Nếu trời tối thì phải chuẩn bị nguồn ánh sáng thay thế khi cắt nguồn điện. Nếu người bị nạn ở trên cao thì phải chuẩn bị để hứng đỡ khi người đó rơi xuống. Kiểm tra mức độ chấn thương và kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo không. Hãy gọi tên và chờ xem nạn nhân có trả lời hay không.

Nếu nạn nhân hôn mê, ngưng tim, ngưng thở

Đặt nạn nhân nằm ngửa ở chỗ khô ráo thoáng khí, sau đó nới rộng quần áo, dây thắt lưng, tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu chuyên sâu như sốc điện, thuốc, máy kích tạo nhịp tim....

Cách thực hiện hô hấp nhân tạo:

Hô hấp nhân tạo thực hiện bằng cách thổi hơi vào mũi hoặc miệng, với tần suất 10 – 12 lần/phút. Riêng trẻ nhỏ, nếu trẻ không tự thở, hãy nhẹ nhàng áp miệng trùm lên cả miệng và mũi của trẻ. Hoặc dùng miệng trùm lên phần mũi của bé, tay giữ phần miệng của bé đóng chặt lại. Sau đó nâng cằm lên, cho đầu hơi ngả về phía sau. Thổi ngạt 2 hơi, mỗi hơi kéo lên dài trong vòng một giây và phải đảm bảo cho lồng ngực trẻ phồng lên.

Hô hấp nhân tạo là biện pháp hỗ trợ hô hấp quan trọng cho bệnh nhân

Hô hấp nhân tạo là biện pháp hỗ trợ hô hấp quan trọng cho bệnh nhân

Ép tim ngoài lồng ngực 100 – 120 lần/phút, với người lớn và trẻ em, riêng người trẻ có thể làm nhanh và nhiều lần hơn.

Với người lớn, xác định chính xác vị trí ép tim tại 1⁄2 dưới xương ức, đặt ngón trỏ cạnh ngón giữa để đảm bảo vị trí ép cách mũi ức 2 khoát ngón tay. Đặt gót bàn tay kia lên phía trên mu bàn tay đang đặt trên xương ức, các ngón tay đan vào nhau. Duỗi thẳng 2 khuỷu tay vuông góc với thành ngực người bệnh và giữ nguyên tư thế này trong suốt quá trình ép tim và bắt đầu ép tim đủ nhanh và mạnh với 1 chu kỳ gồm 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt.

Khi ép tim, cần dùng trọng lượng cơ thể ấn lồng ngực nạn nhân lún xuống ít nhất 5cm và phải đảm bảo ép thẳng xuống xương ức. Lúc sơ cứu, cần đếm to trong quá trình ép từ 1 đến 30 và không rời bàn tay khỏi xương ức trong quá trình ép tim.

Lưu ý: Sau mỗi lần ép tim, đảm bảo cho phép ngực nạn nhân nở hoàn toàn, hạn chế tối đa thời gian tạm dừng ép tim không quá 10 giây.

Nếu nạn nhân tỉnh táo và bỏng nhẹ, hãy rửa vết bỏng dưới vòi nước mát.
Nếu vết thương bị chảy máu, hãy sử dụng băng gạc đắp lên để cầm máu.

Sau đó động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Tư thế ép tim đúng sơ cứu bệnh nhân

Tư thế ép tim đúng sơ cứu bệnh nhân

Để phòng tai nạn điện giật

Người dân chủ động kiểm tra hệ thống điện của gia đình mình, xung quanh khu vực mình sinh sống; nếu có gì bất thường phải báo cho cơ quan điện lực biết để sửa chữa kịp thời.

Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần. Lắp đặt cầu chì, cầu dao, ổ điện... ở nơi khô ráo, tiện sử dụng, cách sàn nhà 1,4m để tránh xa tầm tay trẻ em.

Không cắm thẳng dây điện vào ổ điện mà phải dùng phích cắm. Không đứng nơi ẩm ướt để đóng cắt điện. Lau tay khô ráo khi chạm vào dây dẫn hoặc thiết bị điện. Khi rút phích cắm điện phải nắm vào phần vỏ nhựa của thân phích cắm, không được nắm vào dây dẫn điện.

Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện. Không tự ý lội trong nhà dọn đồ đạc sẽ bị điện rò trong nước gây tai nạn chết người. Các thiết bị điện bị ngấm nước phải để khô mới được sử dụng.

Khi có dông bão, mọi người phải tránh xa các bộ phận công trình điện mà đặc biệt là không đứng dưới đường dây dẫn điện cao áp.

Nếu thấy hiện tượng bất thường tại các bộ phận công trình điện như: dây điện đứt rơi xuống, cây đổ hoặc cành cây gãy đè vào đường dây, trạm điện; cột điện đổ, sứ vỡ, điện bị rò; nước ngập sát tủ điện trạm biến áp; nổ hoặc cháy cáp ngầm, đường dây hay trạm điện…) thì hãy tránh xa và khuyến cáo mọi người không được đến gần những vị trí nói trên, đồng thời báo ngay với chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý khắc phục.

BS Nguyễn Văn Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-nan-dien-giat-trong-mua-mua-bao-va-cach-so-cuu-dung-169240909141703942.htm