Tai nạn máy bay khiến 9 người thiệt mạng trong xung đột Sudan
Một máy bay dân sự bị rơi sau khi cất cánh từ một sân bay ở phía đông Sudan, khiến 9 người trong đó có 4 quân nhân thiệt mạng.
Tai nạn xảy ra trong khi cuộc xung đột ở quốc gia đông bắc châu Phi này đã chạm mốc 100 ngày vào thứ Hai vừa qua mà không có dấu hiệu giảm bớt.
Quân đội cho biết trong một tuyên bố rằng có một đứa trẻ đã sống sót sau vụ tai nạn vào cuối Chủ nhật ở Port Sudan, một thành phố trên Biển Đỏ tới nay đã thoát khỏi cuộc chiến tàn khốc giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Theo quân đội, chiếc máy bay Antonov đã bị rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay của thành phố. Một lỗi kỹ thuật được cho là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Sudan rơi vào hỗn loạn kể từ giữa tháng 4 khi căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa quân đội và RSF bùng nổ thành giao tranh ác liệt ở thủ đô Khartoum và các nơi khác trên khắp đất nước.
William Carter, giám đốc Hội đồng Tị nạn Na Uy tại Sudan, cho biết: “Đã 100 ngày giao tranh ở Sudan, với thiệt hại nặng nề về nhân mạng và cơ sở hạ tầng, nhưng điều tồi tệ hơn còn ở phía trước".
Giao tranh đã biến Khartoum và các khu đô thị khác thành bãi chiến trường. Vùng Darfur rộng lớn đã chứng kiến một số vụ bạo lực tồi tệ nhất khi giao tranh biến thành xung đột sắc tộc.
Các cuộc đụng độ đã giết chết hơn 3.000 người và làm bị thương hơn 6.000 người khác, Bộ trưởng Y tế Haitham Mohammed Ibrahim cho biết trong bình luận trên truyền hình vào tháng trước.
Theo các bác sĩ và nhà hoạt động, con số thương vong có thể cao hơn nhiều. Cơ quan bảo vệ trẻ em của Liên hợp quốc hôm thứ Hai cho biết họ đã ghi nhận cái chết của ít nhất 435 trẻ em kể từ khi xung đột nổ ra. Hơn 2.000 trẻ em khác bị thương.
Theo cơ quan di cư của Liên hợp quốc, hơn 2,6 triệu người đã rời bỏ nhà cửa đến các khu vực an toàn hơn bên trong Sudan, trong khi hơn 757.000 người đã vượt biên sang các nước láng giềng.
Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cảnh báo rằng khoảng 300 trẻ em tị nạn Nam Sudan ở tỉnh White Nile phía nam Sudan đã chết vì nghi ngờ mắc bệnh sởi và suy dinh dưỡng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết: “Những con số này thật đáng kinh ngạc - những thường dân không liên quan gì đến cuộc xung đột này đang phải rời bỏ nhà cửa và sinh kế của họ hàng ngày một cách đáng buồn".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, giao tranh cũng đã khiến hơn 67% cơ sở chăm sóc sức khỏe của Sudan ngừng hoạt động. Cơ quan này cho biết họ đã ghi nhận 51 vụ tấn công vào các cơ sở y tế và nhân viên, khiến 10 người thiệt mạng và 24 người khác bị thương.
Cơ quan này đã cảnh báo về sự bùng phát dịch bệnh, bao gồm sốt rét, sởi, sốt xuất huyết và tiêu chảy cấp, vì giao tranh đã làm gián đoạn các dịch vụ y tế công cộng cơ bản.
Nhóm nhân đạo CARE Quốc tế kêu gọi ngừng bắn và thiết lập một hành lang an toàn để cho phép cung cấp hàng hóa và dịch vụ cơ bản cho những người bị mắc kẹt trong cuộc chiến.
David MacDonald, giám đốc quốc gia của CARE tại Sudan cho biết: “Thế giới không thể rời mắt khỏi tình hình ngày càng tồi tệ ở Sudan vì nó có khả năng gây bất ổn cho toàn bộ khu vực".
Mai Anh (theo AP)