Tai nạn trên cao tốc, có tâm lý chủ quan 'đường rộng dễ lái'
Từ những vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc cho thấy một bộ phận tài xế mắc tâm lý chủ quan, nghĩ đường rộng dễ lái nên chạy xe nối đuôi nhau, không giữ khoảng cách an toàn.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) nêu thực tế, một bộ phận tài xế cho rằng điều khiển xe trên đường cao tốc dễ hơn đi trong nội đô, quốc lộ vì đường to hơn, đi được nhanh hơn.
Theo ông Nhật, từ những suy nghĩ sai lầm này đã dẫn đến tâm lý chủ quan, rất nhiều tài xế điều khiển xe mà không giữ khoảng cách an toàn, gây ra những vụ tai nạn không đáng có, thậm chí nghiêm trọng.
Tốc độ 100-120km/h, nhiều tài xế không biết khoảng cách nào là an toàn
Có thực tế rất nhiều tài xế điều khiển phương tiện trên cao tốc nhưng vẫn giữ những thói quen chạy ẩu như ở đường nội đô, tỉnh lộ, đường làng.
Theo Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), khi lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao, chỉ một phút sơ sẩy sẽ dẫn đến tai nạn thảm khốc.
"Việc lái xe chạy nối đuôi nhau, không tuân thủ khoảng cách an toàn thì khi xảy ra tình huống bất ngờ, tài xế không có đủ thời gian nhận biết, phán đoán và đưa ra các quyết định phù hợp.
Đồng thời, tài xế sẽ không đủ quãng đường để thực hiện việc phanh và dừng xe an toàn. Nếu may mắn tránh được ô tô phía trước thì cũng bị va chạm với dải phân cách, hộ lan trên đường", Trung tá Phạm Văn Chiến nói.
Theo Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT, khoảng cách an toàn tối thiểu của 2 xe trong điều kiện bình thường là 100m nếu xe chạy với tốc độ 100-120km/h. Ứng với các dải tốc độ khác thì khoảng cách an toàn là 70m, 55m và 35m khi xe đi với tốc độ 80 - 100km/h, 60 - 80km/h và dưới 60km/h.
Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Công ty Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, mỗi tuyến đường đều có cột mốc giới hạn về tốc độ. Thông thường các tuyến đường cao tốc sẽ quy định tốc độ từ 80km/h đến 120km/h. Do đó tài xế cần phải di chuyển đúng làn, đúng khoảng cách với các phương tiện khác để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, nhiều lái xe không biết những biển báo về khoảng cách trên cao tốc có giá trị cảnh báo như thế nào.
“Việc chạy quá nhanh hoặc quá chậm so với tốc độ cho phép, hay bám quá gần xe phía trước sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của các phương tiện khác", lãnh đạo Công ty Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhận định.
Vướng sự cố trên cao tốc, liên tiếp mắc sai lầm về xử lý tình huống
Theo lãnh đạo Công ty Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dù tài xế di chuyển ở tuyến đường cao tốc hay đường bộ bình thường thì việc thường xuyên quan sát là một điều vô cùng quan trọng.
Nếu muốn vượt xe, điều đầu tiên là tài xế không được bám sát đuôi xe phía trước, phải giữ khoảng cách phù hợp. Sau đó tài xế bật xi nhan bên trái để xin chuyển làn đường, quan sát trước sau thật kỹ, nháy thêm đèn tín hiệu để xe phía trước nhường đường rồi mới vượt lên.
Nói thêm về việc xử lý sự cố trên đường cao tốc, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, khi có tai nạn hoặc va chạm xảy ra, tài xế muốn giữ nguyên hiện trường thì việc tối thiểu là phải đặt cảnh báo theo quy định nhằm đảm bảo tính mạng cho mình và những người liên quan, người tham gia giao thông khác.
“Đây là những quy định cần phải hiểu và tuân thủ, là thao tác phải làm đầu tiên khi va chạm xảy ra hoặc xe gặp sự cố”, ông Bằng lưu ý.
Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo Công ty Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhấn mạnh, trong trường hợp phương tiện bắt buộc phải dừng đỗ trên cao tốc thì người điều khiển phương tiện cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.
Thứ nhất, bật đèn cảnh báo khẩn cấp và di chuyển xe vào làn dừng xe khẩn cấp một cách từ từ. Khi xác định được xe đã gặp sự cố không thể di chuyển tiếp, hãy cố gắng đưa xe nằm trọn vẹn trong làn dừng khẩn cấp, không lấn ra làn xe chạy.
Thứ hai, bật đèn xe khẩn cấp. Việc bật cùng lúc hai đèn xi nhan sẽ giúp tài xế khác nhận biết nhanh nhất xe của bạn đang gặp vấn đề.
Không nên chỉ bật xi nhan bên phải như dừng bình thường trên phố. Bất cứ khi nào phải đỗ xe trên lề đường, dù là đường quốc lộ hay cao tốc, cũng nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm.
Thứ ba, nếu xe gặp sự cố thì tất cả những ai còn trên xe phải nhanh chóng rời khỏi xe.
Nếu bạn ngồi bên phía cửa hướng ra làn cao tốc thì cần chú ý khi mở cửa và bước xuống một cách cẩn trọng, quan sát các xe chạy cùng hướng, tránh trường hợp mở cửa xe đột ngột dẫn đến va đập vào xe khác.
Sau khi ra khỏi xe, cách tốt nhất là bước về phía sau hộ lan hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt.
Thứ tư, tài xế luôn mang theo vật dụng cảnh báo nguy hiểm. Theo đó, tài xế hãy tự trang bị thêm những vật dụng cần thiết như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón, đèn nháy, áo phản quang. Đặc biệt là những tài xế đi đêm, đường dài nên lưu ý.
Thứ năm, không cố sửa xe bằng mọi cách. Sau khi thử kiểm tra tình trạng phương tiện, nếu bạn thấy không thể sửa chữa thì không nên cố gắng. Thời gian tài xế ngồi trên cao tốc càng lâu, rủi ro càng tăng. Cách tốt nhất là tìm nơi an toàn cách xa làn xe chạy và gọi cứu hộ.
Cục CSGT (Bộ Công an) khuyến cáo, khi xảy ra các vụ tai nạn trên cao tốc, tài xế bình tĩnh xử lý, đặt cảnh báo và liên hệ với lực lượng chức năng để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Các tài xế tuyệt đối không được đi bộ trên cao tốc, không được tập trung đông người để tranh cãi sau các vụ va chạm.
Ngoài ra, Cục CSGT khuyến cáo các tài xế nên dán giấy phản quang vào phía sau xe; trang bị tối thiểu 3 chóp nón hoặc 3 biển tam giác phản quang; áo phản quang để mặc khi gặp sự cố trên đường cao tốc vào thời điểm trời tối, sương mù và ban đêm.
(Còn tiếp)