Tài phá hủy của người lính Hồng quân Liên Xô khiến trùm phát xít Hitler nổi đóa
Khi nói đến phá hủy các tòa nhà và làm trật ray tàu đối phương, quân nhân Liên Xô Ilya Starinov không có người ngang cơ trong Hồng quân. Starinov tài đến mức bản thân trùm phát xít Đức Hitler phải treo giải thưởng cho cái đầu của ông.
“Người phá hoại ngầm vĩ đại”, “ông nội của đội đặc nhiệm Spetnaz Xô viết”, “vua đánh lạc hướng”,”thiên tài tác chiến bằng mìn” – đó là những biệt danh được dùng để đặt cho Đại tá công binh Liên Xô Ilya Grigoryevich Starinov. Trong Thế chiến 2, ông chỉ huy phá hủy tổng cộng 256 cầu và làm trệch ray hơn 12.000 đoàn tàu của đối phương.
Starinov tham gia các chiến dịch trên thực địa cũng như huấn luyện các lữ đoàn phá hoại ngầm. Cá nhân người đàn ông này chịu trách nhiệm đối với việc thiết kế các chướng ngại vật bằng mìn và các thiết bị phá hoại ngầm, mà về sau được cho sản xuất đại trà.
Chiến trường Tây Ban Nha
Tài năng “phá hoại ngầm” của Starinov đã bộc lộ rõ trong Nội chiến Tây Ban Nha. Sarinov được gửi tới đây trong đội hình chuyên gia Xô viết. Khi ấy ông mang tên Rodolfo.
Starinov luôn tiếp cận công việc của mình với mức độ khéo léo cực cao. Một lần, thuốc nổ được ông giấu bên trong một cái bếp dã chiến thu được, bỏ lại trên một cây cầu – nó đã phát nổ khi đoàn xe của địch đi qua. Dịp khác, mìn được cài trên lưng một con la vô chủ - thế là binh lính của tướng phát xít Franco vui vẻ kéo con la về doanh trại ở Virgen de la Cabeza. Vụ nổ sau đó đã dọn đường cho cuộc đột kích nhanh chóng của lực lượng Cộng hòa đang nằm phục sẵn gần đó.
Để có thể vô hiệu hóa một đường hầm của quân địch giữa Pennaroya và Cordoba, một quả mìn đã được ngụy trang như một chiếc lốp ô tô và đặt trên đường ray. Các toa tàu đã vướng phải cái “lốp”, đưa nó vào đường hầm. Vụ nổ nhanh chóng xảy ra sau đó. Lửa và đạn mà đoàn tàu này chở đã cháy trong vài ngày liền.
Tuy nhiên chiến công của Starinov ở Tây Ban Nha cũng gây tổn thất lớn nhất cho chính ông.
Trong lúc gài mìn trên các đoạn đường ray dẫn tới Cordoba, nhóm của Starinov tính nhầm rằng sẽ không có tàu chở khách đi qua đó. Khi thoát ly tới khoảng cách an toàn, đội của ông nhận thấy có một đoàn tàu dân sự sắp tiến tới điểm nổ. Điều đáng buồn là vào lúc này họ không thể làm gì khác để ngăn ngừa thảm kịch.
Ilya Starinov viết trong cuốn “Các lưu ý của người phá hoại” của mình như sau: “Đêm đó thật khó khăn đối với tôi. Tôi chẳng dám nghĩ đến điều gì tốt trong tương lai nữa. Tôi biết không còn chỗ để biện minh. Toàn bộ chiến dịch của chúng tôi, dù chúng tôi đã bỏ vào đó bao công sức, đã rơi vào thế nguy hiểm”.
Thế nhưng sự kiện thảm họa đó cuối cùng lại là chiến thắng. Sáng hôm sau, mọi người biết được rằng chuyến tàu đó rốt cuộc lại không phải là tàu chở khách mà thực chất là đoàn tàu thuộc về sở chỉ huy của sư đoàn không quân Italy (cũng thuộc phe phát xít – ND).
Khi quay về nước, Starinov suýt bị xử lý. Nhưng nhiều người trong đội của ông không được may mắn như vậy – họ bị kết tội phản quốc và bị đem đi xử bắn. Cá nhân Starinov biết nhiều người trong số này, như Yan Berzin – thủ trưởng trực tiếp của ông ở Tây Ban Nha. Trong thời cuộc lúc ấy, một điều may nữa cho Starinov là vợ của ông đã được Nguyên soái Kliment Voroshilov cứu sống.
Kẻ thù cá nhân của đồ tể Adolf Hitler
Chẳng bao lâu sau khi Đức Quốc xã tiến quân vào lãnh thổ Liên Xô, người ta nhận ra rằng học thuyết của Liên Xô về “việc đánh quân thù ngay trên lãnh thổ địch, với tổn thất tổn thiểu” đã không phát huy tác dụng.
Khi ấy Liên Xô có nhu cầu lớn phải xây dựng một mạng lưới dân quân du kích rộng khắp thành thạo năng lực phá hoại ngầm sau lưng địch. Trình độ thượng thừa của Starinov đáp ứng đúng nhu cầu đó.
Vào tháng 10/1941, cuộc chiến đẫm máu diễn ra ở Kharkov – một trung tâm công nghiệp lớn của Ukraine thuộc Liên Xô. Đội tác chiến của Starinov được trao nhiệm vụ gài mìn trong thành phố này phòng khi quân đội Đức chiếm được. Thế là, hơn 30.000 quả mìn chống tăng và chống bộ binh đã được cài ở đây, cùng với khoảng 2.000 quả mìn hẹn giờ và 5.000 quả mìn bẫy, nhằm cản bước quân thù, khiến chúng mất đi thời gian quý báu và nguồn lực quan trọng.
Ngoài ra, Starinov còn chuẩn bị một cái bẫy đặc biệt “dành tặng” quân Đức, tiêu diệt cả tướng Đức và các sĩ quan của y.
Có một tòa nhà đẹp ở trung tâm của Kharkov - chuyên gia “phá hoại địch” của Hồng quân phán đoán sở chỉ huy quân Đức sẽ đóng tại đây. Ông đặt một quả mìn nặng 350kg (loại kích hoạt bằng vô tuyến điện) ở đây, ngụy trang khéo léo cho nó nằm dưới sàn của phòng đun sôi. Ngay bên trong đống than đá là một khối thuốc nổ nhỏ hơn, nhưng mục đích của quả này không phải là để gây nổ.
Khi lực lượng rà phá bom mìn của Đức phát hiện và tháo ngòi mìn bẫy, quân Đức tin rằng tòa nhà giờ đã an toàn để đón tướng Georg von Braun và sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 68. Vào lúc 5h sáng ngày 14/11, quả mìn chính được kích hoạt bằng vô tuyến điện từ một vị trí cách đó tới 300km. Vụ nổ cực mạnh đã giết chết von Braun và các sĩ quan bên cạnh y.
Quốc trưởng Hitler của Đức Quốc xã nổi điên lên vì vụ nổ này. Sau khi tình báo phát xít Đức biết về thân phận của Starinov, phía Đức đã treo thưởng 200.000 Reichsmark cho đầu của Starinov.
Nhưng quân Đức không bao giờ bắt được chuyên gia phá hủy mang tên Starninov này. Ông tiếp tục công tác của mình trong suốt cuộc chiến tranh, tổ chức hoạt động phá hoại sau chiến tuyến địch và lập ra một mạng lưới liên lạc giữa Hồng quân và lực lượng quân giải phóng Nam Tư, trong khi vẫn tập trung rà phá bom mìn ở Hungary và Đức.
“Ông nội của lực lượng Spetsnaz tinh nhuệ”
Trong thời kỳ sau chiến tranh, Ilya Starinov tập trung vào việc giảng dạy tại “Ủy ban An ninh Quốc gia” KGB (tức cơ quan an ninh-tình báo của Liên Xô) . Ông trực tiếp chịu trách nhiệm đào tạo hàng chục đặc vụ Spetsnaz kỹ năng cao – những người này trìu mến gọi Starinov là “ông nội”.
Starinov được thưởng hàng chục huân huy chương. Nhưng ông lại lận đận với việc tìm kiếm danh hiệu cao quý nhất của Liên Xô. Ông được đề cử cho Huân chương Anh hùng Liên Xô tổng cộng 3 lần thời Xô viết và 2 lần ở Nga nhưng rốt cuộc các đề cử đó đều không thành công.
Thủ phạm khiến Starinov không chạm tới được danh hiệu này là tính cách “bướng bỉnh” của ông. Ông thích nói thẳng toẹt các sự thật trần trụi với các chỉ huy của mình, nhiều khi là thẳng vào mặt họ.
Mặc dù không lên được hàm tướng, Starinov cũng không mảy may quan tâm. Ông tuyên bố: “Thà làm một đại tá sống còn hơn là làm một nguyên soái chết”.
Huyền thoại “gây tổn thất lớn cho địch” từ trần một cách yên bình vào năm 2000, thọ 100 tuổi.