Tại phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội): Khổ sở vì dự án 'treo' hơn 20 năm
Một dự án đã được quy hoạch cách đây hơn 20 năm, nhưng suốt chừng ấy thời gian lại chưa hề được triển khai, chưa hề có thông báo thu hồi đất. Chính vì thế, gần 100 hộ dân sống trong vùng quy hoạch này luôn sống trong thấp thỏm khi rơi vào cảnh đi thì dở, ở cũng không xong...
Dự án bị lãng quên
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1995 khi Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội liên doanh với Công ty Antara Koh Development (V) PTE.,LTD (Singapore) để triển khai dự án Sông Hồng City tại địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là một dự án xây dựng và kinh doanh nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn với diện tích được giao thuê là 60.000m2.
Cùng năm đó UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 Dự án sông Hồng City tại Quyết định số 2767/QĐ-UB ngày 1-8-1995. Đến tháng 9-1995, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty phát triển đô thị (tên liên doanh giữa cho Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) PTE.,LTD) với thời hạn sử dụng là 45 năm. Vậy nhưng suốt từ đó đến nay, dự án vấn án binh bất động.
Hệ lụy từ việc chậm trễ này khiến gần 100 hộ dân nằm trong chỉ giới quy hoạch dự án lâm vào tình huống tiến thoái lưỡng nan khi mà nhà đất của họ không thể mua bán, sang nhượng, thừa kế hay làm sổ đỏ được. Cụ thể, khu vực quy hoạch hiện là nơi cư trú của người dân 2 khu tập thể T361 Quân chủng phòng không không quân và Khu tập thể nhà máy điện với diện tích xây dựng là hơn 3.400m2 bao gồm nhà tạm, nhà cấp 3, cấp 4.
Theo ông Phạm Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ thì vì nằm trong vùng quy hoạch nên nhiều công trình nhà ở của người dân mặc dù đã xuống cấp, nhưng không được cấp giấy phép cải tạo, xây dựng. Trong khi dân số cơ học của phường ngày một tăng nhanh nên người dân vô cùng bức xúc. Trong các lần tiếp xúc cử tri, UBND phường rất đau đầu khi phải nhận quá nhiều đơn thư phản ánh cũng như các đóng góp ý kiến của đại biểu.
“Qua các kỳ họp HĐND, người dân chất vấn chúng tôi đến “rát tai”. Lần nào họ cũng yêu cầu phường có phải biện pháp tháo gỡ khó khăn giúp nhân dân để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo lên cấp có thẩm quyền chứ không quyết định được” - ông Trung nói
Vẫn tiếp tục chờ
Trong số các hộ dân đã khổ sở vì dự án này có bà Vũ Thị Tuyết ở tổ dân phố số 43, khu Tập thể F361 phường Yên Phụ. Bà Tuyết nay đã tuổi cao sức yếu nên có ý định chia tài sản lại cho các con đề phòng đến ngày bà về với tiên tổ. Thế nhưng suốt từ năm 2011 đến nay, bà đã nhiều lần đội đơn xin được sang tên tài sản cho con mình, nhưng đều bị từ chối chỉ bởi nhà bà bị vướng quy hoạch của Dự án Sông Hồng City. “Bây giờ tôi cũng chẳng biết đến khi nào dự án mới triển khai và cũng không biết liệu nhà nước có thu hồi lại dự án hay không nữa. Nếu dự án cứ để tồn tại như thế này có lẽ đến lúc chết tôi cũng chẳng thể thực hiện được nguyện vọng của mình” - bà Tuyết than thở.
Theo bà Ngô Long - Tổ trưởng tổ dân phố 39, khu dân cư số 13 phường Yên Phụ thì câu chuyện dự án “treo này” đã là nỗi bức xúc trong khu dân cư từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Không chỉ có gia đình bà Tuyết mà nhiều hộ khác ở tổ của tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cuộc sống không ổn định, mọi quyền lợi chính đáng của người dân không thể thực hiện được và họ cứ sống trong nỗi phấm phỏng này không biết tới bao giờ” - bà Long nói.
Nhằm giải quyết nỗi bức xúc của người dân, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, UBND quận Tây Hồ cũng đã có công văn gửi Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội trình bày các trường hợp hộ dân bị vướng mắc trong quá trình sang tên tài sản nhà đất nhưng nằm trong chỉ giới quy hoạch để xin chỉ đạo và tháo gỡ. Tuy nhiên đến nay hầu hết các công văn gửi đi đều chưa có hồi âm và vì thế người dân vẫn cứ phải tiếp tục chờ.
Ông Hoàng Xuân Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, địa phương cũng đã nhiều lần có công văn báo cáo để UBND quận Tây Hồ tập hợp trình thành phố sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các hộ dân liên quan đến Dự án sông Hồng City. Thậm chí ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ trong báo cáo gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đã nêu rõ khu tập thể F361 hình thành trước ngày 1-10-1993, hiện các hộ dân đang sử dụng đất ổn định, không tranh chấp.
Được biết hồi tháng 9-2016, UBND TP Hà Nội có Công văn số 7726/VP-ĐT và 5019/KH&ĐT-ĐTNN chỉ đạo các Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài nguyên môi trường kiểm tra, đôn đốc, đề xuất biện pháp xử lý việc liên quan đến Dự án sông Hồng City. Thế nhưng từ đó đến nay dự án này vẫn giẫm chân tại chỗ và như vậy cũng có nghĩa là người dân nơi đây sẽ tiếp tục mòn mỏi đợi chờ.