Tài sản công, không để lãng phí
Tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhà văn hóa sau khi thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố có ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Năm 2020, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố theo chủ trương chung của tỉnh. Từ 40 tổ dân phố, sau sáp nhập giảm xuống còn 26 tổ dân phố. Toàn phường hiện có 28 NVH, ngoài 2 tổ dân phố 16 và 17 chưa có NVH thì có tới 5 tổ: 7, 11, 15, 21, 22 mỗi tổ có 2 NVH.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều NVH được xây dựng cách đây hơn 10 năm, diện tích hẹp, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, rất khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động chung. Đơn cử như tổ 11, hiện có 230 hộ (nếu tính cả hộ đăng ký tạm trú là 260 hộ) mặc dù có 2 NVH nhưng xây dựng cách xa nhau và đều có diện tích hẹp, đã xuống cấp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổ trưởng tổ 11, thông tin: Tổ 11 được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ các hộ của tổ 23 trước đây (có khoảng 80 hộ) và 1 phần các hộ của tổ 16, 17 vào. Khi chưa sáp nhập, diện tích NVH đủ để kê chỗ ngồi họp cho đại diện các hộ. Sau sáp nhập, mặc dù chúng tôi chọn NVH rộng hơn để tổ chức các cuộc họp chung nhưng mỗi lần họp tổ vẫn phải che bạt ra hiên mới đủ chỗ ngồi cho đại diện 60% hộ dân. NVH thứ 2 của tổ chỉ khi nào họp ít người (chi bộ, các chi hội) chúng tôi mới sử dụng được, còn cơ bản đóng cửa để đấy. Tổ đề nghị UBND phường cho sử dụng thêm phần đất công cạnh NVH này để cải tạo làm chỗ tổ chức các hoạt động chung, tránh lãng phí tài sản công.
Ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng, cho biết: Trong số 5 tổ có 2 NVH, ngoài tổ 7 có 2 NVH ở cạnh nhau thì 4 tổ còn lại đều có 2 NVH ở cách xa nhau. Vì thế, các tổ dân phố chọn NVH rộng hơn, tốt hơn để làm nơi hội họp, tổ chức các hoạt động; NVH nhỏ hơn để nhân dân quanh khu vực đến luyện tập thể thao. Đối với NVH dôi dư, phường đề xuất nếu không đấu giá thu tiền vào ngân sách thì UBND TP. Thái Nguyên để lại cho địa phương xây dựng các khu thể thao liên hoàn, tạo điều kiện cho người dân rèn luyện sức khỏe.
Theo báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND TP. Thái Nguyên thực hiện vào tháng 7-2022, thành phố hiện có 502 NVH, trong đó có 372 NVH đang sử dụng, 130 NVH dôi dư. Việc dôi dư NVH là do từ năm 2018 TP. Thái Nguyên thực hiện chủ trương sáp nhập các xóm, tổ dân phố.
Trước khi sáp nhập, toàn thành phố có 687 xóm, tổ dân phố, sau sáp nhập giảm 286 xóm, tổ dân phố. Trong số 502 NVH, có 460 NVH đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn 42 NVH chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 16 xóm, tổ dân phố chưa có NVH.
Còn theo báo cáo kết quả giám sát việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, tại thời điểm tháng 12-2022, toàn tỉnh có 2.254 xóm, tổ dân phố, trong đó, 2.192 xóm, tổ dân phố có 2.663 NVH-KTT (485 NVH-KTT dôi dư sau sáp nhập). Một số xóm, tổ dân phố có từ 2 NVH trở lên đã lựa chọn NVH có quy mô, diện tích và vị trí phù hợp làm NVH trung tâm để tổ chức hội nghị và các hoạt động cộng đồng.
Tại thời điểm giám sát mới có 1.049 NVH-KTT được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để quản lý theo quy định. Ngoài một số NVH-KTT chưa được lập quy hoạch, thiếu diện tích đất quy hoạch thì nhiều công trình NVH, thiết bị xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được kịp thời sửa chữa, đầu tư nâng cấp.
Sau khi sáp nhập xóm, tổ dân phố, số hộ dân tăng lên, quy mô, diện tích của nhiều NVH không đáp ứng nhu cầu, khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động. Chưa kể nhiều xóm, tổ dân phố chưa có NVH-KTT, phải sử dụng NVH liên tổ dân phố, liên xóm, đặc biệt là trong khu vực đô thị.
Hiện nay còn nhiều NVH-KTT thiếu các tiêu chí như: Chưa đảm bảo quy mô xây dựng, không có sân khấu trong hội trường, không có sân tập thể thao đơn giản, thiếu các công trình phụ trợ (nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa, cổng, tường rào bảo vệ)…
Trả lời câu hỏi tại phiên giải trình, giám sát do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức mới đây về công tác hướng dẫn xây dựng phương án sắp xếp, xử lý đối với các NVH-KTT dôi dư trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh có 510 NVH-KTT dôi dư (trong đó 238 NVH-KTT không sử dụng). Để sắp xếp, xử lý vấn đề này, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành đánh giá hiện trạng các NVH-KTT tại các xóm, tổ dân phố trên địa bàn; thống kê, rà soát NVH-KTT dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, đề xuất hướng xử lý. Đồng thời, Sở Tài chính trên cơ sở đề nghị của các địa phương về phương án sắp xếp, xử lý NVH-KTT dôi dư (là tài sản công), không có nhu cầu sử dụng, tham mưu báo cáo UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã ban hành các văn bản, hướng dẫn cấp xã rà soát, xác định nhu cầu, đề xuất xây dựng phương án sắp xếp, xử lý cụ thể từng NVH-KTT.
Cùng với việc rà soát để sắp xếp các NVH dôi dư, hiện nay nhiều xóm, tổ dân phố cũng đề nghị các địa phương sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho NVH-KTT đối với những đơn vị chưa được cấp. Đồng thời, các địa phương quan tâm ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng NVH-KTT đối với những xóm, tổ dân phố chưa có và hỗ trợ kinh phí để cải tạo, nâng cấp NVH-KTT đã xuống cấp...