Tài sản đại gia 65 tuổi vượt mốc 1.400 tỷ đồng trong ngày thị trường rung lắc

Trong ngày thị trường chứng khoán rung lắc mạnh, khối tài sản của đại gia 65 tuổi này vẫn tăng hàng chục tỷ đồng để vượt mức 1.400 tỷ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự rung lắc mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5. VN-Index có lúc xuống sát 1.070 điểm trước khi đóng cửa ở mức 1.075,17 điểm. Trong khi đó, cả HN-Index và Upcom-Index cùng kết phiên trong sắc xanh. Cụ thể, chỉ số HN-Index tăng 1,48 điểmm và Upcom-Index tăng 0,38 điểm để đóng cửa lần lượt ở 222,81 điểm và 82,05 điểm.

Trong ngày chỉ số VN-Index quay đầu giảm, mã cổ phiếu TPB của Ngân Hàng TMCP Tiên Phong lại ghi nhận phiên giao dịch tích cực. Cụ thể, TPB ghi nhận mức tăng 3,73% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 cùng thanh khoản tăng đột biến với hơn 11 triệu cổ phiếu được sang tay. Với mức tăng này, TPB là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30 và là một trong những mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất.

Đà tăng mạnh của TPB đến sau khi nhà băng này phát đi thông báo 12/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận quyền hưởng cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 39,19%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/6. Theo đó, TPBank sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng.

TPBank sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông

Nguồn tiền dùng để tăng vốn là 6.199 tỷ đồng. Trong đó, ngoài 2.102 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận năm 2022, ngân hàng cũng trích 1.536 tỷ đồng từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 và 2.561 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.

Trong năm 2023, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt mức 8.700 tỷ đồng, tăng 11%, tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,6% và tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Đà tăng mạnh của TPB không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này cũng giúp khối tài sản của Phó chủ tịch Lê Quang Tiến tăng thêm hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, đại gia 65 tuổi này đang trực tiếp nắm giữ hơn 57 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng tài sản hơn 51,3 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của ông Tiến có giá trị gần 1.426,4 tỷ đồng.

Sau phiên rung lắc mạnh của chỉ số VN-Index, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcap cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có những nỗ lực tăng điểm để chỉ số VN-Index kiểm định lại kháng cự mạnh tại 1.080-1.082 điểm (MA200) một lần nữa. Nếu lực mua giá cao không đủ mạnh để giúp chỉ số vượt kháng cự, lực bán có thể sẽ gia tăng, đặc biệt tại nhóm vốn hóa lớn, để tạo áp lực giảm điểm cho VN-Index. Ở kịch bản này, VN-Index sẽ kiểm định hỗ trợ lần lượt tại 1071 điểm (MA5), 1.064 điểm (MA20) và quan trọng nhất là 1.058 điểm (MA50, MA100). Ngược lại, nếu có thể đóng cửa trên mốc 1.082 điểm, VN-Index sẽ phát tín hiệu kéo dài đà tăng, hướng lên ngưỡng cản tiếp theo tại vùng 1.090-1.100 điểm.

Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường vẫn có thể được hỗ trợ tại vùng 1.070-1.075 điểm của VN-Index và hồi phục trở lại để tiếp tục kiểm tra nguồn cung tại vùng 1.080 điểm trong phiên 1/6. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn có thể nắm giữ các cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tốt và thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu tăng nhanh đến vùng cản hoặc đang chịu áp lực bán từ vùng cản để hiện thực hóa thành quả.

Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên 01/06, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.070-1.075 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.080-1.085 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Nam Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-san-ai-gia-65-tuoi-vuot-moc-1-400-ty-ong-trong-ngay-thi-truong-rung-lac-a610553.html