Tài sản mã hóa, từ chủ trương tới sức nóng tăng dần trên thị trường

Với chủ trương thí điểm xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch tiền ảo, được tổ chức bởi doanh nghiệp được Nhà nước cho phép, nhà đầu tư đang bày tỏ sự quan tâm rất lớn tới một kênh đầu tư mới trên thị trường.

Nóng và nóng

Sáng ngày 27/3, Hội trường lớn tầng 2 Trung tâm Hội nghị quốc tế - 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung” do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức.

Khách tham dự Hội thảo đông kín và phần lớn là thanh niên trẻ, nhưng cũng không hiếm trung niên và có cả người nước ngoài thông qua các phiên dịch viên ngồi cạnh tường thuật lại nội dung đang được chia sẻ; những chiếc điện thoại thông minh của khách tham dự hướng về sân khấu để truyền phát trực tuyến... Sức nóng của Hội thảo ngày càng lớn dần khi không còn ghế trống, ngoài ra còn có nhiều khách tham dự đứng xung quanh Hội trường…

Tại sao sự kiện này có sức hút mạnh mẽ vậy? Phần nào lý giải cho câu hỏi này, Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an cho biết, công nghệ blockchain và tài sản mã hóa, thường gọi là tiền mã hóa hay tiền ảo, đã và đang thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu. Các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung - hay còn gọi là CEX - với khả năng xử lý hàng tỷ USD giao dịch mỗi ngày, đã trở thành một trụ cột quan trọng trong hệ sinh thái tài chính số. Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường này cũng rất đáng chú ý.

Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an

Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an

Theo báo cáo của Chainalysis - một tổ chức chuyên phân tích dữ liệu blockchain - trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, tổng giá trị tiền mã hóa chảy vào Việt Nam ước tính đạt 90,8 tỷ USD. Trong số đó, gần 1 tỷ USD được xác định liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm lừa đảo, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

“Bên cạnh những lỗ hổng tiềm tàng trong việc quản lý dòng tiền số tại nước ta, con số trên phản ánh sức hút của tiền mã hóa đối với người dân và doanh nghiệp Việt Nam”, Thượng tá Dương Đức Hùng nói.

Tại sự kiện ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, thông tin đáng chú ý, đại diện của hơn 10 sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung lớn trên thế giới và có người dùng tại Việt Nam như Binance, OKX, Bybit, BingX, Bitget, MEXC, CoinEx…

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại sự kiện

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại sự kiện

Thượng tá Dương Đức Hùng chia sẻ thêm, đặc điểm nổi bật của các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung là tính ẩn danh, tốc độ giao dịch nhanh chóng và khả năng liên kết xuyên biên giới mà không cần qua các trung gian tài chính truyền thống. Những ưu điểm này, dù vô tình tạo ra một môi trường lý tưởng cho các tổ chức tội phạm và khủng bố khai thác nhưng không thể phủ nhận việc mang lại sự tiện lợi cho người dùng hợp pháp.

“Thực tế, nhiều bộ phận dân chúng đang nhìn nhận đây là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận”, một chuyên gia kinh tế có nhiều năm làm việc trong ngành tài chính trong và ngoài nước nói.

Vậy nhưng, Thượng tá Dương Đức Hùng cho biết, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý đầy đủ và rõ ràng để quản lý tài sản mã hóa và các sàn giao dịch. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc giám sát, mà còn khiến các sàn giao dịch không phép hoạt động tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Sự cần thiết của khung pháp lý

Đánh giá chung về bức tranh pháp lý thị trường tài sản số hiện nay, ông Phan Đức Trung cho rằng: “Việc luật hóa tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hóa, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hóa đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của chính phủ”.

TS. Wayne Huang, đồng Sáng lập, CEO XREX, đơn vị tư vấn dịch vụ theo dõi phòng chống rửa tiền cho Chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) và chính phủ Singapore nhận định, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá trên thị trường tài chính phi tập trung nhờ mức độ chấp nhận và sự phổ biến của tài sản mã hóa trong cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc sự cân bằng, tránh quy định quá chặt chẽ sẽ khiến các doanh nghiệp khó hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và các quy định pháp lý khác.

Các diễn giả thảo luận tại sự kiện

Các diễn giả thảo luận tại sự kiện

Bên cạnh đó, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: Cần thiết phải có Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hóa, stablecoin, sàn giao dịch tài sản mã hóa; Cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hóa; Cần phải có quy định về kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản mã hóa nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, tin cậy và minh bạch của thị trường.

“3 vấn đề này cần được quy định trong các văn bản pháp lý mà trước mắt là Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”, ông Thức nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống Rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý quản lý các sàn giao dịch đặt ra yêu cầu phức tạp về việc quản trị rủi ro do tính chất ẩn danh, xuyên biên giới, phi tập trung của tài sản mã hóa. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới cho thấy chi phí phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cũng là một chi phí lớn đối với các đơn vị vận hành các sàn giao dịch.

“Vì vậy, NHNN đã tham mưu, đề xuất quy định các sàn giao dịch phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên cơ sở quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ này”, bà Thơ cho biết.

Đề cập đến dự thảo quy định thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung đang rất được quan tâm trong thời điểm này, ông Tô Trần Hòa, Phó trưởng ban Phát triển Thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo được xây dựng dựa trên các nghiên cứu từ các thị trường tài sản mã hóa được đánh giá là tiên tiến trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật, UAE, Thái Lan và tuân thủ hệ thống các quy định chung của quốc tế về tài chính, công nghệ. Đặc biệt, các sàn giao dịch cần tự đánh giá, lựa chọn các tài sản có giá trị, có tính thanh khoản cao để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Thượng tá Dương Đức Hùng cho biết, dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng. Việt Nam đang nằm trong “Danh sách xám” của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế (FATF) từ năm 2023. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các quốc gia trong danh sách này có thể chịu thiệt hại trung bình 7,8% GDP do mất niềm tin từ cộng đồng quốc tế. Việc không kiểm soát được các hoạt động tài trợ khủng bố qua tiền mã hóa có thể khiến chúng ta bị liệt vào nhóm rủi ro cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và nền kinh tế quốc gia.

“Tôi kêu gọi sự hợp tác từ tất cả các anh chị doanh nghiệp, chuyên gia và người dân để cùng xây dựng một thị trường tài sản mã hóa không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi “Danh sách xám” của FATF trong thời gian sớm nhất. Việc thoát khỏi danh sách này không chỉ là vấn đề danh dự quốc gia, mà còn là điều kiện để chúng ta khẳng định vị thế trên trường quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ tài chính bất hợp pháp”, Thượng tá Dương Đức Hùng nói.

Trước đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025 và Nghị quyết về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung, dự kiến được ban hành ngày 1/4/2025

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Blockchain Việt Nam công bố hợp tác chiến lược với CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam, một trong những công ty quản lý quỹ uy tín, đang quản lý khoảng 6 tỷ USD tài sản.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Dragon Capital đang nỗ lực đa dạng hóa danh mục sản phẩm và tối ưu trải nghiệm khách hàng bằng những sản phẩm mới như Chứng chỉ quỹ ETF được token hóa thông qua việc công bố nghiên cứu tại hội thảo.

Nhuệ Mẫn+Qui Ánh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tai-san-ma-hoa-tu-chu-truong-toi-suc-nong-tang-dan-tren-thi-truong-post366275.html